Một số ý kiến về phác thảo tượng đài "Tiếng sấm đường 5"

22/05/2019 17:50

Vừa qua, Bảo tàng tỉnh trưng bày mẫu phác thảo tượng đài “Tiếng sấm đường 5” để lấy ý kiến góp ý của công chúng trước khi quyết định lựa chọn đầu tư xây dựng.

Là người quan tâm đến lịch sử và mỹ thuật, tôi xin góp một số ý kiến về nội dung và hình thức mẫu tượng đài.

Ngoài mục đích, ý nghĩa của tượng đài như thuyết minh nêu ra, tôi thấy phác thảo tượng đài chưa thể hiện đúng nội dung lịch sử trong chiến dịch “Sấm đường 5” của quân và dân Hải Dương. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Khu Tả ngạn trong tác chiến phối hợp, đánh chặn giặc chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, quân dân tỉnh ta đã đánh mìn lật đổ đoàn xe lửa địch trên tuyến đường sắt Hải Phòng-Hải Dương-Hà Nội tại khu vực Phạm Xá (Kim Thành), diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch vào ngày 31.1.1954. Đây là một trận thắng vang dội, làm nên ý nghĩa "Sấm đường 5" gắn với tên tuổi "vua mìn đường 5" là đồng chí Nguyễn Văn Thòa. Ngày 12.3.1954, quân dân ta cũng tiêu diệt nhiều cứ điểm, đồn lính Liên hiệp Pháp, bảo chính đoàn, diệt và bắt sống hàng trung đội địch, thu nhiều vũ khí tại khu vực Phạm Xá, Cổ Dũng, Quỳnh Khê... (Kim Thành), một số địa điểm ở huyện Cẩm Giàng... Lực lượng trực tiếp, chủ yếu được giao nhiệm vụ là bộ đội tỉnh Hải Dương, bộ đội địa phương và du kích huyện Kim Thành, có sự phối hợp của bộ đội địa phương một số huyện trong tỉnh. Như vậy, nhân vật chính của nhóm tượng đài phải là bộ đội.


Mẫu phác thảo tượng đài “Tiếng sấm đường 5” trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Hiện tại, phác thảo nhóm tượng chính (tượng tròn) với 3 nhân vật là nữ du kích đứng giữa, phía trước, xắn quần, cầm súng tư thế... khoan thai; hai nhân vật hai bên gồm một người ngồi đầu trần, trang phục có vẻ là bộ đội với khối mìn phía trước, nhân vật còn lại là bộ đội, đội mũ, đứng cầm khẩu súng như đứng gác. Điều này khác với thực tế lịch sử là bộ đội phục kích, ẩn mình bí mật dưới hầm chờ đoàn tàu địch đến để điểm hỏa đánh mìn. Còn lực lượng chiến đấu khác thì tiến công các đồn bốt, vị trí địch...

Tượng đài là hình tượng khái quát, tuy có thể không kể tả chi tiết sự kiện lịch sử, nhưng với hình tượng hiện tại rất chung chung, hời hợt, giống như cụm tượng đài quân và dân ở đâu đó, không toát lên hình ảnh và ý nghĩa sự kiện này.

Hình tượng tiếng nổ mìn địa lôi đánh đổ đoàn tàu hỏa của địch với tư cách là điểm nhấn như bản thuyết minh nêu, nhưng tổng thể không toát lên hình tượng đoàn tàu, mà chỉ là những hình kỷ hà, chung chung, vụn vặt, không biểu hiện rõ cái gì. Một điểm nhấn khác như thuyết minh nêu là "hình tượng những thanh tà vẹt tung lên", thực chất là tiểu tiết, chỉ khi tiếp cận, nhìn kỹ mới thấy hai đoạn tà vẹt gắn dính với phần khối đứng (bệ đỡ ba nhân vật nêu trên).

Nhóm các nhân vật phù điêu đắp nổi ở phần dưới, hai bên khối đứng, ở bên trái với những nhân vật đứng, ngồi giống như kể tả thành phần "công, nông, binh" không rõ hành động. Bên phải là nhóm những nhân vật vác bó lúa, trao bó lúa trên tay, người vác cuốc, người khoác súng cũng chung chung thiếu ăn nhập chủ đề. Nhóm các nhân vật cầm súng, ôm khối mìn đánh mìn nhưng có vẻ đờ đẫn, thiếu sinh khí, không toát lên khí thế quyết tâm chiến đấu, chiến thắng của sự kiện lịch sử. Mặt khác, nhóm nhân vật này gây cảm giác là những nhân vật ngoài rìa của sự kiện "Tiếng sấm đường 5", vì được bố cục ở phía ngoài cùng.

Về hình thức, việc khắc họa hình tượng "tiếng sấm" và đánh đổ đoàn tàu địch thì có nhất thiết phải tạo khối "vút cao" như thuyết minh nêu không? Thực tế như nhóm tượng đài kéo pháo vào Điện Biên ở Điện Biên Phủ dàn trải theo chiều ngang, nhưng được coi là rất sống động và hoành tráng.

Tạo hình khối đứng và kỷ hà đang bị vụn cùng các nhóm nhân vật đắp nổi không mang tính chất phù điêu, cũng không hẳn là tạo khối, làm cho tổng thể tượng đài thiếu sự ăn nhập. Đầu nhân vật nam, đứng bên phải thiếu cân đối, quá to so với thân tượng. Phần thân dưới của nhân vật ngồi bị nhỏ, không tương xứng với thân người. Tạo hình khối đứng kết hợp với những phần hình kỷ hà hai bên nhìn bao quát theo thế hình cong tròn đều, không hề toát lên thế "ngang bằng sổ thẳng" như thuyết minh nêu, trái lại còn gây cảm giác rất phản cảm. Mặt khác, khối đứng bị khoét rỗng và tạo hình tiếng nổ làm cho khối tượng mất đi giá trị hình khối và vụn vặt, rất thiếu thẩm mỹ.

Những điều nêu trên cũng là ý kiến của nhiều họa sĩ trong tỉnh. Với ý nghĩa là công trình mỹ thuật có tính bền vững, lâu dài, chúng tôi mong Hội đồng nghệ thuật và cấp có thẩm quyền của tỉnh nên xem xét kỹ lưỡng để có được mẫu tượng đài đúng về nội dung, đẹp về thẩm mỹ, xứng đáng với công trình văn hóa của tỉnh và khu vực.

HÀ HUY CHƯƠNG (Họa sĩ, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số ý kiến về phác thảo tượng đài "Tiếng sấm đường 5"