Mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân

19/08/2019 07:15

Có nhiều người thường hay than thở về những khó khăn mà họ gặp phải hay khi đọc được những tin tức về mặt trái, tiêu cực xã hội trên các trang báo, trang mạng xã hội hiện nay.

Không ít trong số đó, ngay lập tức phủ nhận thành quả của cách mạng, cho rằng đi theo Đảng là một sai lầm. Tôi nghĩ, những người ấy chỉ cần để tâm quan sát những đổi thay trong đời sống hằng ngày của người dân thôi, chắc hẳn sẽ không thể nói bừa như thế.

Chẳng cần nói đâu xa, nhìn vào kết quả sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta là một ví dụ. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều làng quê đã thay đổi. Đường làng ngõ xóm rộng thênh thang, có đèn điện chiếu sáng ban đêm. Nước sạch về tận bể. Người dân muốn ra khỏi làng đi đến các thành phố lớn, chỉ một cuộc điện thoại, sẽ có xe đón tận nơi. Trẻ em được học tập trong những ngôi trường khang trang. Xã nào, thôn nào cũng có sân vận động, sân thể thao, nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân…  Những tiện ích ấy sẽ chẳng thể nào có được nếu Đảng ta không kiên trì mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Nếu đem những thành quả chúng ta đạt được hôm nay để so với những gì người dân Việt Nam phải trải qua dưới chế độ thực dân, phong kiến từ năm 1945 trở về trước, sẽ càng thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị mà Cách mạng Tháng Tám mang lại. Sự kiện cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công ngày 19.8.1945 đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nước Việt Nam “từ trong máu lửa” đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Và hơn thế, 74 mùa thu qua, trải bao thăng trầm, dưới sự chèo lái tài tình của Đảng, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nước ta từ những đau thương, đổ nát của chiến tranh, đã vươn mình đứng dậy, từng bước khẳng định vị trí trên trường quốc tế. Mong ước “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác đã dần trở thành hiện thực.

Lẽ dĩ nhiên trong sự vận động đi lên ấy, cũng có những quãng thụt lùi. Chúng ta không phủ nhận còn nhiều hạn chế trong việc chăm lo đời sống nhân dân vẫn đang hiện hữu. Ví dụ việc xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa thỏa đáng nên nhiều nơi, người dân phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm. Công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt nên nhiều người dân chưa được ăn thực phẩm sạch đúng nghĩa. Nhiều thành phố, hễ mưa là đường ngập úng. Nhiều người dân vẫn bị gây phiền hà khi đi làm các thủ tục hành chính…

Trong Di chúc của mình, Bác Hồ căn dặn “phải chăm lo chu đáo tới đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân”. Toàn Đảng bộ tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc học và làm theo Bác, tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của dân và chăm lo đời sống nhân dân. Để việc học và làm theo không chỉ diễn ra trên lý thuyết, trong các cuộc thảo luận, sinh hoạt chuyên đề, mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cần đề ra cách làm cụ thể, đi vào những việc cụ thể mà địa phương, đơn vị mình còn hạn chế. Đó có thể là tạo cơ hội thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập hoặc làm tốt công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính… Đặt mình vào vị trí người dân bình thường là có thể tìm ra cách làm phù hợp để đem lại cuộc sống ấm no cho họ.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân