Lo thực phẩm Tết

22/01/2019 15:30

Năm nào cũng vậy, dù lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm tra, kiểm soát, người tiêu dùng thì chú ý cảnh giác hơn nhưng thực phẩm bẩn vẫn có rất nhiều cơ hội để trà trộn.

Ngày 15.1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công an xã Tiền Tiến (Thanh Hà) kiểm tra cơ sở sản xuất riềng xay của gia đình bà Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1970, ở xóm Đồng Neo, thôn Cập Thượng). Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đã sử dụng lưu huỳnh và chất tạo màu vàng không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ để trộn vào củ riềng đã được xay nhỏ. Chủ cơ sở khai nhận sản xuất riềng xay để bán tại chợ Hội Đô (TP Hải Dương).

Vụ việc này xảy ra khi Tết Nguyên đán đang cận kề càng làm gia tăng lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi đây là thời kỳ cao điểm sản xuất hàng hóa, thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết. Năm nào cũng vậy, dù lực lượng chức năng tăng cường ra quân kiểm tra, kiểm soát, người tiêu dùng thì chú ý cảnh giác hơn nhưng thực phẩm bẩn vẫn có rất nhiều cơ hội để trà trộn. Thị trường hàng hóa thời gian này phong phú, đủ chủng loại từ hàng hóa do các doanh nghiệp có uy tín sản xuất cho tới hàng làm thủ công từ các làng nghề truyền thống. Mấy năm gần đây còn rộ lên trào lưu mua bán hàng xách tay từ nước ngoài về. Trên các trang mạng xã hội những ngày này có thể thấy rất nhiều lời mời chào từ rượu ngoại đến các loại bánh kẹo, thịt xông khói... nhập về từ nhiều nước. Do là sản phẩm nhập ngoại, các thông tin trên bao bì hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài trong đó có những ngôn ngữ không nhiều người biết như tiếng Nga, tiếng Hàn... nên người tiêu dùng chỉ biết về sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán. Ngoài ra, gần đây còn nhiều người tự làm mứt, các loại bánh chào bán trên mạng xã hội. Vì là sản phẩm tự làm nên cũng không có bao bì mà thường chỉ đựng trong túi nilon. Nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền trong cả nước cũng được đưa về từ thịt trâu, bò, lợn gác bếp, măng khô, nấm hương, miến dong... của khu vực miền núi phía Bắc, hay nhái "vũ nữ chân dài” của An Giang, bánh tét lá cẩm (Cần Thơ), rượu dừa (Bến Tre), mứt chuối phồng (Đồng Tháp)... Không ít mặt hàng trong số này cũng trong tình trạng "3 không": không nhãn mác, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Một vài tuyến phố, chợ ở cả TP Hải Dương và một số vùng nông thôn đã bắt đầu có những cửa hàng bày bán bánh kẹo, các loại mứt theo cân. Ở những cửa hàng đó, bánh mứt kẹo được đổ ra sạp, màu sắc rất bắt mắt nhưng không bao bì, không rõ nguồn gốc... Nếu mua những loại bánh mứt kẹo này về, với thời tiết nồm ẩm ở các tỉnh phía Bắc, chỉ ít hôm là bánh kẹo chảy nước, dính thành một khối.

Tết cũng là dịp các loại rượu được tiêu thụ mạnh. Những năm gần đây, rượu ngoại được nhiều người chọn làm quà biếu với các chủng loại, mẫu mã, giá cả... Nhưng bên cạnh rượu ngoại xịn thì không loại trừ những loại rượu "đội lốt" hàng ngoại. Ngoài ra, trong tỉnh cũng có khoảng hơn 1.000 cơ sở nấu rượu thủ công dịp này cũng liên tục cho ra lò những mẻ rượu phục vụ tiêu dùng, rượu cúng trong dịp Tết. Vì lợi nhuận, có những cơ sở vẫn dùng những loại men xuất xứ từ Trung Quốc hay men không bảo đảm chất lượng... ảnh hưởng tới chất lượng rượu.

Để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, người thân đón một cái Tết an toàn, vui tươi, người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ thông tin của những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, phân phối có uy tín. Với những sản phẩm mới lạ, cần tham khảo thông tin, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua, tránh tiền mất, tật mang khi Tết đến xuân về.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo thực phẩm Tết