Làm cho thế giới sạch hơn

13/11/2020 08:43

​Đó là tên một chiến dịch do Australia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu.

Thông điệp ấy nghe thì có vẻ rất đơn giản nhưng thực hiện lại không hề dễ. 

Ở ta, tuy các điều kiện sống ngày càng được cải thiện, nâng cao nhưng môi trường sống thì lại không được như xưa. Mức độ ô nhiễm môi trường nước, không khí ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, mọi người dân đủ mọi giới, lứa tuổi được kêu gọi đeo khẩu trang. Nhưng thực chất trước đó, đeo khẩu trang đã trở thành thói quen của nhiều người, vừa chống bụi bẩn, vừa chống nắng… Đối với nhiều người, mỗi khi đi ra đường mà không đeo khẩu trang thì cảm giác khó chịu vô cùng. Thử không đeo khẩu trang mà đi đường thì chỉ khoảng nửa giờ sau sờ lên mặt đã có thể thấy một lớp bụi mỏng. 

Không chỉ ngột ngạt vì bụi bẩn, môi trường xung quanh chúng ta còn bị đầu độc bởi rác thải vứt bừa bãi. Mặc dù mỗi gia đình ở các đô thị đều có thùng đựng rác riêng, quy định giờ đổ rác trong ngày nhưng dễ thấy trên hè phố, dưới lòng đường ở nhiều khu dân cư vẫn có rác, nhất là túi nilon bay linh tinh. Nhiều hộ dân chỉ muốn sạch nhà mình nên có khi chưa đến giờ đã mang rác ra đổ. Việc phân loại rác thải tuy đã được tuyên truyền nhiều nhưng đại bộ phận người dân chưa có thói quen này. Vì sự tiện dụng nên túi nilon, hộp xốp vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều bà nội trợ cũng như của những người bán hàng. Có nơi, người dân đã có ý thức hơn nhưng lại theo kiểu nửa vời. Gần khu tôi ở có bác bán xôi. Trước kia, xôi thường được bác đơm vào túi nilon để bán cho khách. Gần đây, tôi thấy mỗi suất xôi được bác lót bằng lá chuối hoặc lá bàng nhưng vẫn bọc bên ngoài bằng túi nilon. Có khu chi hội phụ nữ đã tặng làn cho các bà, các chị đi chợ nhưng không phải ai cũng mang theo các hộp để đựng từng loại thực phẩm riêng ra mà nhiều người vẫn đựng bằng các túi nilon rồi thả trong làn. Do vậy, họ chỉ bớt được 1-2 chiếc túi to hơn so với trước. Cũng bởi dùng làn cồng kềnh, không tiện cho những người đi xe máy nên có nơi chỉ được một thời gian, làn lại bị thay thế bởi túi nilon các kích cỡ.

Hay như phong trào thu gom pin cũ do đoàn thanh niên nhiều nơi phát động, tổ chức thực hiện cũng đã có chỗ xuất hiện tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Có thùng đựng pin cũ không được thu gom thường xuyên mà để lưu cữu khá lâu, nhiều quả pin đã bạc màu... 

Thỉnh thoảng, nhiều người đi đường lại giật mình vì những túi rác, vỏ lon, thậm chí là những túi nôn bay ra từ các xe ô tô chạy qua. Ở những khu vực giáp ranh, nhiều tuyến đường đê… không ít bãi rác tự phát đã mọc lên. Họ chỉ miễn sao mang rác tránh thật xa khu vực mình sinh sống nên những nơi giáp ranh, hay những đoạn đường không có nhà dân sinh sống rất dễ biến thành bãi rác. 

Ở những nơi công cộng, nơi diễn ra các hoạt động tập trung đông người như nhà thi đấu, hội chợ… cũng vậy. Sau khi sự kiện kết thúc, nhìn đâu cũng thấy rác.   

Thực tế cho thấy việc chúng ta đang hằng ngày phải sống chung với rác xuất phát từ chính ý thức và hành động của con người. Thế giới xung quanh ta sẽ không thể sạch hơn nếu mỗi người vẫn còn có những nhận thức và hành động xả rác bừa bãi, chỉ biết sạch cho mình mà không quan tâm đến môi trường chung.

Để làm cho thế giới sạch hơn, các phong trào bảo vệ môi trường cần thực chất hơn. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình tự quản bảo vệ môi trường. Các phần việc bảo vệ môi trường cần được phân công cụ thể, triển khai bài bản và duy trì thường xuyên hơn. Cần tuyên truyền để ý thức giữ gìn môi trường sạch, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác… trở thành nền nếp trong mỗi gia đình, thành thói quen của các thành viên. Khi mỗi cá nhân có ý thức hơn thì chắc chắn thế giới quanh ta sẽ sạch hơn, đáng sống hơn.  

KIM THANH (Gia Lộc)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm cho thế giới sạch hơn