Không để tái diễn những thảm kịch như ở Anh

12/11/2019 07:35

Những gia đình có người sang Anh giàu lên nhanh chóng, xây nhà lầu, có xe hơi và nhiều tiện nghi đắt tiền đã làm những người khác thèm muốn...

Những ngày qua, cả thế giới bàng hoàng, xót thương cho 39 người Việt Nam tử vong trong xe chở container tại Anh. Đáng chú ý có một nạn nhân 18 tuổi ở TP Hải Dương. Cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương làm thủ tục để lo hậu sự cho các nạn nhân, kịp thời thăm hỏi, sẻ chia với gia đình các nạn nhân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội.

Phát biểu trước Quốc hội vào chiều 8.11, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm nhất quán là không được để tái diễn thảm kịch xảy ra tại Anh.

Lực lượng công an các địa phương có nạn nhân tử vong đang tích cực điều tra đường dây tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Chắc chắn thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ vạch trần, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi cần làm gì để không tái diễn thảm kịch nêu trên như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ? Muốn tìm ra giải pháp hữu hiệu, cần nhận rõ các nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.

Nhiều gia đình dù biết phải bỏ ra số tiền lớn và hành trình sang Anh cũng có rủi ro, song vì số tiền kiếm được ở Anh gấp nhiều lần so với chi phí bỏ ra nên họ đồng ý để người thân của mình bước vào con đường may rủi.

Có thể trước lúc ra nước ngoài, các gia đình biết hành trình sang Anh sẽ có trắc trở song không thể mường tượng được những tình huống xấu nhất. Những kẻ tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép dùng những lời đường mật để tô hồng cuộc sống ở trời Tây. Họ còn nói hành trình sang bên đó sẽ không khó khăn là bao.

Những gia đình có người sang Anh giàu lên nhanh chóng, xây nhà lầu, có xe hơi và nhiều tiện nghi đắt tiền đã làm những người khác thèm muốn, cố gắng tìm cách cho người thân xuất ngoại.

Việc đi lao động nước ngoài “chui” tồn tại từ nhiều năm qua và thảm kịch 39 người chết là đỉnh điểm. Nó cho thấy công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này còn hạn chế. Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội sáng 4.11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng qua vụ việc 39 người chết cho thấy sự hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Cường, công tác tuyên truyền về pháp luật còn rất hạn chế, việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu ở chính quyền các địa phương chưa chặt chẽ, đấu tranh với tội phạm mua bán người, người đi lao động “chui” chưa hiệu quả.

Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là với những gia đình có người thân đang ở nước ngoài; đồng thời đấu tranh quyết liệt với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, hành vi mua bán người...

Cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin về những rủi ro khi đi lao động “chui” cho người dân để họ tỉnh táo nhận ra. Mỗi gia đình hãy cảnh giác, không vì món lợi trước mắt mà đánh cược mạng sống của người thân.

TÍCH LỊCH HỎA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để tái diễn những thảm kịch như ở Anh