Giáo viên cần học cách ứng xử

01/05/2019 14:27

Ngành giáo dục cần phát động thành một phong trào ứng xử văn hóa từ trường mầm non đến cấp bộ, với những tiêu chí cụ thể về nói năng, hành động, suy nghĩ...

Người xưa có câu: "Tự cổ vi nhân xử thế nan", tức là từ xưa đến nay việc ứng xử là khó nhất. Ứng xử có nhiều phạm vi: ứng xử với tự nhiên, quá khứ, với con người… Trong mọi lĩnh vực thì ứng xử người với người là khó hơn cả.

Nhìn lại thực tế ứng xử của giáo viên trong những năm gần đây, ai cũng thấy có nhiều chuyện buồn, đáng trách, thậm chí đáng lên án. Đó là vụ cô giáo Trần Thị Phương Lan bắt 47 học sinh lớp 7 Trường THPT Liên Hoa (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) dùng lưỡi liếm cho sạch cái ghế của cô ở trên lớp vì ghế bị vẽ bẩn mà không em nào nhận. Cô giáo Lê Thị Vi ở Trường Mầm non tư thục Thiên Thơ (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) dùng băng dính dán chặt miệng cháu Bảo Trân làm cháu tím tái, ngừng thở phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cô giáo Huỳnh Thị Thắng ở Trường Tiểu học Thành Công 3 (Phổ Yên, Thái Nguyên) đã giết ông T. (55 tuổi) tại nhà nghỉ để cướp của. Ông T. là tình nhân và là cán bộ của trường. Vì nghi ngờ bé Huỳnh Ngọc Trâm (10 tuổi) lấy 47.800 đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hiệp 2 (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) đã giao bé Trâm cho Công an xã hỏi cung và hành hạ làm cháu hoảng loạn. Tại Trường Tiểu học Lê Bình 1 (Cái Răng, Cần Thơ), do phụ huynh chưa kịp đóng tiền ăn cho các cháu, nhà trường đã cho 179 học sinh nhịn đói bữa trưa. Đoàn Văn Hùng (31 tuổi), giáo viên Trường THCS Quang Hưng (Ninh Giang) đã dùng ảnh nóng của một phụ nữ khác giống em Linh để cưỡng đoạt 3 triệu đồng của em này.

Gần đây nhất, hẳn mọi người chưa quên vụ hai cô hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Hà Nội đi ô tô vào sân trường giờ ra chơi, làm gãy chân một học sinh nhưng vẫn thản nhiên và tìm cách chối tội. Tại một trường THCS ở Quảng Bình, cô giáo đã cho cả lớp tát 230 cái vào mặt một học sinh chỉ vì em này nói bậy. 46 em học sinh tiểu học ở TP Chí Linh ăn nhầm bột thông bồn cầu, phải đi bệnh viện. Ở Hưng Yên, một cô giáo phạt 1 học sinh phải ăn hết 20 túi thạch dừa tại nhà vệ sinh, có hai em theo dõi…

Nguyên nhân thì có nhiều, do tham lam, hiếu thắng, vô cảm, quan liêu, vô trách nhiệm, giận dữ vô lối hoặc coi thường tính mạng và nhân phẩm người khác, suy cho cùng đều là những ứng xử lệch chuẩn mà ra. Mọi việc đều có cách giải quyết. Song giải quyết để việc to thành nhỏ, nhỏ thành không mới là cách ứng xử hay. Người ta hay nói đến ứng xử có văn hóa. Đó là cách ứng xử hợp tình hợp lý, vừa giải quyết được vấn đề, vừa giữ được sự hữu hảo giữa người với người.

Trong ứng xử văn hóa của ngành giáo dục thì giáo viên là lực lượng chủ yếu. Muốn chấm dứt được các việc sai trái trên, ngành giáo dục cần phát động thành một phong trào ứng xử văn hóa từ trường mầm non đến cấp bộ, với những tiêu chí cụ thể về nói năng, hành động, suy nghĩ... Mỗi cán bộ, giáo viên, công nhân viên cần được học thêm về tâm lý lứa tuổi học sinh. Cụ thể mỗi lứa tuổi, các cháu thích gì, ghét gì, ước vọng, mong muốn ra sao… từ đấy nảy sinh hành động gì, hành động sai thì cần uốn nắn. Khi nắm được tâm lý học sinh thì giáo viên sẽ chọn được cách ứng xử thích hợp. Còn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên các cấp cũng cần có sự phân loại. Biết rõ những ai tính nết thế nào, chỉ cho họ cái hạn chế để sửa. Nếu sửa không được hoặc không chịu sửa sai thì bố trí công việc khác hoặc cho ra khỏi ngành. Tổ chức sưu tầm, tìm hiểu những tấm gương có ứng xử hay rồi phân tích cái hay, cái khôn khéo của họ để học tập. Mặt khác, luôn kiểm tra, kịp thời nắm bắt những mầm mống có thể phát sinh cái sai trong ứng xử để uốn nắn và ngăn chặn. Đặc biệt là giáo viên phải đi sâu đi sát học sinh, sống thân thiện với các em bằng trái tim nhân hậu và ý thức trách nhiệm cao cả của mình. Khi học sinh đã tin ở thầy cô thì các em sẽ nói cho nghe tất cả. Đó là điều quan trọng để ta ngăn chặn cái sai và có cách giải quyết đúng.

VĂN DUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên cần học cách ứng xử