“Giải cứu” học sinh học nghề

11/04/2021 07:31

Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) luôn có định hướng phân luồng học sinh sau cấp THCS.

Với tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng không kiếm được việc làm đúng chuyên môn đào tạo, cánh cửa các trường dạy nghề trở nên hấp dẫn hơn với nhiều học sinh. Khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh, các trường đều chỉ ra những ưu điểm của học nghề ngay sau khi hoàn thành chương trình THCS. Trong đó, nổi bật là học sinh sẽ vừa được học văn hóa vừa học nghề, khi tốt nghiệp sẽ có trong tay cả 2 bằng THPT và bằng nghề. Các em và gia đình sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho việc học, có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục học liên thông lên cấp cao hơn.

Tuy nhiên, ưu điểm đó của đào tạo nghề lại đang gặp vướng mắc trong thời gian dài bởi những quy định chồng chéo và chậm có hướng dẫn thi hành. Trước năm 2018, các trường nghề được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010-BGDĐT ngày 28.6.2010 quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình, người học được dự thi để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng từ năm 2019, sau khi thông tư này hết hiệu lực, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT không cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT mà việc giảng dạy này phải do các trung tâm GDTX thực hiện. 

Tháng 10.2020, sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn đề nghị, Bộ GDĐT đã đồng ý cho các trường nghề được dạy văn hóa THPT dành cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề. Nhưng sau hơn nửa năm đồng ý, Bộ GDĐT vẫn chưa ban hành thông tư quy định việc dạy văn hóa THPT cho học sinh hệ 9+, khiến quyền lợi học sinh bị ảnh hưởng. Cuối tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Các trường nghề phải gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo Bộ GDĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được các Sở GDĐT đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới; Bộ GDĐT cần sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang kiến nghị qua lại mà vẫn chưa có giải pháp cuối cùng thì chịu thiệt nhiều nhất vẫn là học sinh. Ngày 31.3, hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam đã gửi thư kêu cứu tới các cơ quan báo chí vì không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Theo giải thích của nhà trường, nguyên nhân do từ năm 2018 trường đã không còn được đào tạo văn hóa. Tháo gỡ vướng mắc này, Bộ GDĐT đã cho phép Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp theo quy định hiện hành; được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong trường hợp học sinh đã hoàn thành chương trình theo quy định tại Thông tư 16/2010/TT-BGDĐT. 

Tuy nhiên, đây chỉ là giải quyết một vụ việc nhỏ lẻ, điều cần thiết hơn cả là phải có những quy định cụ thể, hướng dẫn rõ ràng để “giải cứu” các trường nghề, học sinh học nghề khỏi tình trạng loay hoay trong việc dạy văn hóa và nguy cơ có học mà không được cấp bằng. Nếu những vướng mắc về quy định vẫn tồn tại thì trong tương lai, có thể sẽ tiếp tục có những lá thư kêu cứu như các học sinh trường múa và việc phân luồng học sinh THCS vốn đã khó khăn sẽ càng trở nên gian nan bởi tâm lý e ngại của phụ huynh, học sinh. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp sẽ rất khó thành. 

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Giải cứu” học sinh học nghề