Gia tăng khuynh hướng bạo lực

16/02/2019 09:57

Tính cách của một bộ phận người Việt đang ngày càng hung cục, dễ nổi nóng, khó kiềm chế, có khuynh hướng thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hơn là bằng đối thoại.

Nhiều người cho rằng hiện nay, tính cách của một bộ phận người Việt đang ngày càng hung cục, dễ nổi nóng, khó kiềm chế, có khuynh hướng thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hơn là bằng đối thoại. Họ cũng ít chịu nghe những lời can gián, khuyên bảo của những người xung quanh, rất dễ "cả giận mất khôn". Điều này thể hiện ở số liệu về các vụ đánh nhau, thậm chí là án mạng xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ đang ngày càng gia tăng.

Trong kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019 (từ ngày 2 - 10.2), trong tỉnh đã xảy ra 5 vụ cố ý gây thương tích. Đa số các vụ xô xát, đánh nhau là do mâu thuẫn cá nhân, bột phát. Điển hình như tối 2.2, do mâu thuẫn trong khi tham gia giao thông, Đinh Văn Chiều (26 tuổi, ở xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã dùng kiếm đuổi chém đứt gân cổ tay anh Vũ Đình Trung (28 tuổi, ở xã Tân Việt, Bình Giang). Hay tối 4.2 (30 Tết) do mâu thuẫn trong lúc tổ chức ăn liên hoan tất niên, Phương Văn Chi (64 tuổi) đã dùng dao đâm anh Phạm Văn Hiệu (52 tuổi, cùng ở khu dân cư Bình Dương, phường Phả Lại, Chí Linh)...

Trước đây, trong tỉnh cũng từng xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng mà nguyên nhân chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ. Các vụ ẩu đả, truy sát nhau không chỉ xảy ra giữa những người trẻ tuổi, tính tình còn bồng bột, xốc nổi mà ngay cả với những người trung tuổi, thậm chí đã lên ông, lên bà. Vụ án giết người vì... quả mít non xảy ra ở xã Thanh Cường (Thanh Hà) là một ví dụ. Sau khi cãi vã liên quan đến chuyện mua bán mít, chiều tối 28.7.2018, Trịnh Tố Huynh (sinh năm 1968, ở thôn Vĩnh Ninh, xã Thanh Cường, Thanh Hà) đã đuổi cùng giết người bạn đồng niên cùng làng là ông Trịnh Văn T. Sự "cả giận mất khôn" khiến ông T. mất mạng, còn Huynh lĩnh án 20 năm tù...

Mâu thuẫn, ẩu đả cũng xảy ra ngày càng nhiều ở các gia đình, giữa anh em với nhau, giữa cha mẹ với con cái, giữa chồng với vợ. Trước đây, trong gia đình là mối quan hệ "trên kính dưới nhường", ra bên ngoài người ta cũng sẵn lòng nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau dù không quen biết. Nhưng bây giờ, con người dường như vô cảm hơn. Giữa đường thấy chuyện bất bình như cãi vã, đánh nhau, người nọ bắt nạt chèn ép người kia... nhiều người bỏ qua vì tâm lý không muốn bị vạ lây. Có người cũng dừng lại nhưng chỉ để... xem, quay video, chụp ảnh... đưa lên mạng xã hội. Trong nhà, nhiều đứa con hỗn láo với cha mẹ, sẵn sàng bạo hành với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình. Nhiều cặp vợ chồng không còn chịu "cơm sôi nhỏ lửa, chồng giận thì vợ bớt lời" nữa mà sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau...

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. Ngay từ bé, nhiều trẻ em đã thường xuyên xem những bộ phim, đọc những cuốn truyện mang tính bạo lực. Một số bộ phim truyền hình hiện nay cũng thường có các cảnh bạo lực, giết người, đánh người không ghê tay của giới "xã hội đen". Nhiều cháu thường xuyên đấm đá, múa may bắt chước lại hành động của các nhân vật trên phim. Vì áp lực kinh tế, nhiều gia đình cha mẹ chỉ mải lo kiếm tiền, không quan tâm đến con, coi nhẹ giáo dục, rèn giũa tính cách cho con. Bởi thế lớn lên, một bộ phận không nhỏ thanh niên cũng dễ nổi nóng, sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Đôi khi bạo lực xảy ra chỉ vì những cái "nhìn đểu", vì những lời nói khích bác lẫn nhau...

Để giảm bạo lực, các nhà trường cần tăng cường giáo dục, không chỉ trong các tiết học đạo đức, giáo dục công dân mà cần lồng ghép vào các môn học xã hội, các tiết ngoại khóa, các buổi sinh hoạt tập thể. Các bậc cha mẹ cũng đừng lãng quên trách nhiệm của mình, đừng buông lỏng giáo dục, quản lý con. Cần tăng cường kỷ luật trong cả gia đình và nhà trường. Các tổ hòa giải không chỉ can thiệp, xử lý những vụ việc xảy ra giữa các gia đình, thành viên trong khu dân cư mà cần tham gia hòa giải cả những vụ việc xảy ra trên địa bàn dù có thể đối tượng là người từ nơi khác đến...

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng khuynh hướng bạo lực