Giá cả phải đi liền với chất lượng

19/12/2018 09:08

Từ ngày 15.12 vừa qua, giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở.

Tính ra, các dịch vụ y tế tăng trung bình 3,2%, trong đó giá khám bệnh tăng bình quân 11%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3%.

Tuy vậy với lần điều chỉnh này, giá các dịch vụ y tế tăng không nhiều và sẽ tác động không đáng kể đến người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Ví dụ như giá khám bệnh ở bệnh viện hạng 1, hạng 2 hay hạng 3 đều chỉ tăng vài nghìn đồng/lượt. Những người có thẻ BHYT thì phần chi phí tăng thêm sẽ được BHYT đồng chi trả. Nhưng điều mà nhiều người bệnh vẫn băn khoăn đó là giá tăng liệu có tỷ lệ thuận với chất lượng khám chữa bệnh?

Hiện nay, đa số người dân vẫn rất ngại mỗi khi phải đến các bệnh viện. Nếu phải đi viện thì việc đầu tiên nhiều người nghĩ tới là xem trong họ hàng, người thân quen có ai làm ở bệnh viện đó không để nhờ vả. Bởi dù các bệnh viện đều đã thực hiện việc xếp số khám bệnh, phân loại ban đầu để giảm tải, nhưng từ lúc tới viện, trải qua các khâu lấy số, xếp sổ chờ đến lượt khám lại bắt đầu hành trình đi xếp hàng lấy máu, lấy nước tiểu xét nghiệm, siêu âm, điện tim... khâu nào cũng phải xếp hàng và chờ đợi rất mệt mỏi.

Tương tự như vậy, giá giường bệnh cũng sẽ tăng khoảng vài chục nghìn đồng/giường/ngày. Nhưng thực tế, tại nhiều khoa phòng ở một số bệnh viện trong tỉnh, giá giường bệnh lại đắt gấp đôi, gấp ba. Bởi ở nhiều khoa, phòng, nhất là những nơi thường xuyên bị quá tải thì chuyện bệnh nhân thường xuyên bị nằm ghép 2, thậm chí ghép 3 người một giường khá phổ biến. Những nhà có điều kiện kinh tế khá một chút thường chọn dịch vụ giường "chất lượng cao", hoặc phòng "chất lượng cao". Nhưng ở đa số các bệnh viện trong tỉnh hiện nay, chất lượng phòng bệnh chất lượng cao vẫn còn rất hạn chế. Nó chỉ hơn phòng thông thường ở chỗ có ít giường bệnh hơn (thường có 2 giường, thay vì 4-5 giường) nên người bệnh có thêm không gian, có 1 chiếc ti vi và buồng vệ sinh riêng. Song không gian phòng bệnh thường vẫn nhỏ hẹp, chật chội, nhiều thiết bị đã cũ. So với điều kiện đó thì mức giá khoảng 500.000-600.000 đồng/giường/ngày là quá cao.

Đặc biệt, tới một số bệnh viện nơi mà cơ sở vật chất đã quá cũ như Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, một số bệnh viện tuyến huyện thì chất lượng giường bệnh, phòng bệnh càng đáng lo hơn. Nhất là các khu vệ sinh dành cho bệnh nhân tại một số bệnh viện hiện rất kinh khủng. Gọi là khu vệ sinh nhưng những nơi này lại mất vệ sinh nhất bệnh viện. 
Trong khi đó, khi lên bệnh viện tuyến trung ương, dù có không thân quen nhưng vẫn có rất nhiều dịch vụ đưa ra cho người bệnh lựa chọn. Ví dụ: khám thường thì phải xếp sổ, chờ đợi, nhưng khám dịch vụ chất lượng cao thì nhanh hơn nhiều. Đặc biệt nếu là dịch vụ khám chọn bác sĩ (thường là tiến sĩ, giáo sư, thấp nhất cũng là thạc sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2) thì không những không phải chờ đợi mà tất cả các dịch vụ đều được phục vụ tận tình, có người đưa tới từng điểm khám, xét nghiệm... Các phòng bệnh chất lượng cao cũng khá hơn rất nhiều, nhất là ở các bệnh viện đa khoa quốc tế. Tất nhiên là mức giá cho những dịch vụ này cũng đắt gấp 5 - 10 lần so với giá khám bệnh thông thường nhưng đúng là "tiền nào của ấy".

Nói chung, trong lĩnh vực y tế hay bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy: chất lượng phải đi liền với dịch vụ. Nếu sau khi tăng giá, dịch vụ y tế tại các bệnh viện trong tỉnh vẫn không được cải thiện thì chắc chắn bệnh nhân sẽ vẫn tìm cách chạy lên tuyến trên. Và câu chuyện nơi quá tải, nơi đìu hiu, chuyện "chảy máu" bác sĩ, vỡ quỹ BHYT... sẽ còn tái diễn không biết khi nào mới có hồi kết.

KIM THANH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cả phải đi liền với chất lượng