Đừng sáp nhập trường học trên... giấy

13/07/2019 07:54

Trước yêu cầu về tiến độ sáp nhập, không ít nơi có tư tưởng cứ sáp nhập trên giấy tờ trước, còn các công việc cần triển khai thực tế thì đợi hết nghỉ hè, sẽ tiến hành vào đầu năm học mới.

Đến tháng 6.2019, toàn tỉnh mới sáp nhập 38 đơn vị giáo dục, gồm 10 trường mầm non, tiểu học cùng cấp, 8 trường khác cấp (sáp nhập tiểu học và THCS) và 20 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề, Trung tâm Dạy nghề. Sau sáp nhập giảm được 17 đơn vị, chỉ đạt 16,8% kế hoạch (kế hoạch giảm 101 đơn vị). Cấp THPT chưa sáp nhập trường nào. Tiến độ sáp nhập chậm, kết quả đạt được rất thấp do tỉnh chậm ban hành Đề án tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập; đợi sáp nhập trường học sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã…

Số lượng các trường sáp nhập còn ít nên nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề. Ngày 7.6.2019, UBND tỉnh có Quyết định số 1956/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương tổ chức thực hiện. Theo đề án, các đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải sáp nhập các trường cùng cấp thành một trường; sáp nhập trường tiểu học với THCS thành một trường ở những đơn vị hành chính cấp xã không phải sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong kế hoạch của UBND cấp huyện về thực hiện Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 3.4.2018 của UBND tỉnh. Việc sáp nhập các trường nêu trên phải xong trước năm học 2019-2020 để các trường mới hình thành đi vào hoạt động từ năm học tới. Với các xã phải sáp nhập thì ngay sau khi có đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ sáp nhập các trường cùng cấp.

Các công việc cần làm thời gian tới rất gấp, khối lượng lớn, nếu không có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhanh và hiệu quả thì không thể hoàn thành mục tiêu đề ra. Đó là chưa kể nếu thực hiện nhanh nhưng không chu đáo sẽ dễ dẫn tới những vướng mắc, phức tạp phát sinh vì công việc này liên quan đến quyền lợi sát sườn của nhiều cán bộ, giáo viên. Những vấn đề nhiều khả năng phát sinh phức tạp, mâu thuẫn như chọn hiệu trưởng mới dựa trên căn cứ nào? Việc chọn đó có công tâm, khách quan không? Giải quyết số lượng phó hiệu trưởng và giáo viên dôi dư sau sáp nhập ra sao? Sắp xếp như thế nào để giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất dạy được ở cả tiểu học và THCS khi sáp nhập trường? Bố trí giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, môn học thừa sang môn học thiếu thế nào cho hợp lý?... Trường hợp làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Trước yêu cầu về tiến độ sáp nhập, không ít nơi có tư tưởng cứ sáp nhập trên giấy tờ trước, còn các công việc cần triển khai thực tế thì đợi hết nghỉ hè, sẽ tiến hành vào đầu năm học mới. Tư tưởng này không ổn vì vào đầu năm học mới có rất nhiều việc cần giải quyết, nếu cứ để dồn đống nhiệm vụ sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động. Ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cần phân rõ yêu cầu, tính chất và lộ trình thực hiện công việc. Việc nào cần giải quyết sớm thì chủ động giải quyết ngay, không đợi đến năm học mới.

 NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng sáp nhập trường học trên... giấy