Đoàn kết, đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh

02/04/2020 19:38

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù ngặt nghèo nhất, chỉ cần đoàn kết một lòng, cả dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì vừa phải đối mặt với "thù trong, giặc ngoài", vừa phải đối mặt với “giặc đói và giặc dốt”. Trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, dân tộc Việt Nam có nguy cơ phải quay lại thời kỳ lệ thuộc tối tăm. Trong hoàn cảnh đó, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng vượt qua bao khó khăn, thử thách để giữ vững nền độc lập, đưa nước ta ngẩng cao đầu bước ra khỏi kiếp nô lệ lầm than. Để rồi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, cũng với tinh thần đoàn kết một lòng, dân tộc ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và cũng chính tinh thần đoàn kết triệu người như một, triệu khối óc, triệu con tim hướng về miền Nam thân yêu, nhân dân ta lại làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 thu non sông về một mối. Nhìn suốt chiều dài lịch sử dân tộc để thấy rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù ngặt nghèo nhất, đau thương nhất nhưng chỉ cần đoàn kết một lòng, cả dân tộc Việt Nam sẽ luôn kết thành một khối thống nhất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Tính đến sáng 2.4, đại dịch Covid-19 đã lan tới 203 quốc gia và vùng lãnh thổ với 877.041 người nhiễm và gây ra cái chết cho 43.541 người. Tại Việt Nam đã có 222 ca nhiễm, trong đó có 63 ca đã khỏi. Đây thực sự là thảm họa toàn cầu, tác động cực kỳ sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của hàng triệu người trên khắp cả nước. Tính mạng của hàng trăm người đang bị đe dọa. Đại dịch nếu không được kiểm soát tốt có nguy cơ kéo lùi sự phát triển của đất nước. Như thế, bao nỗ lực, cố gắng của cả dân tộc trong hàng chục năm qua sẽ đổ sông, đổ bể.

Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam cần được phát huy mạnh mẽ để cùng nhau vượt qua một trong những khó khăn, thử thách lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ngày 30.3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”.

Ngay từ những ngày đầu có dịch, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, các cán bộ y tế, lực lượng quân đội, công an khắp cả nước đã vào cuộc quyết liệt, chủ động góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", hình ảnh những chiến sĩ áo trắng quên ăn, ngủ gục bên giường bệnh vì mệt mỏi đủ sức lay động con tim của hàng triệu người. Những anh bộ đội sẵn sàng nhường doanh trại làm nơi ăn, chốn ở cho những người cách ly càng tô thắm thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Vì đất nước, hàng triệu người đã “đứng yên” hưởng ứng lời kêu gọi “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”. Hàng vạn người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng ở lại, chấp nhận sự cô đơn khi xa gia đình, bạn bè trong lúc đối mặt với hiểm nguy. Họ làm điều đó vì lòng yêu nước, vì tinh thần dân tộc? Vì an toàn của cộng đồng và chính gia đình mình, hàng nghìn người sẵn sàng gác việc riêng để thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Với nhiều người, các khu cách ly đã trở thành nơi họ nhận ra giá trị của cuộc sống. Họ đã hiểu thế nào là sự xả thân, là tinh thần “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.

Vì dân tộc, vì sự phát triển của đất nước, mỗi người dân Việt Nam luôn sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo cho tuyến đầu chống dịch. Từ 0 giờ ngày 1.4, toàn xã hội thực hiện cách ly theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào lại được phát huy mạnh mẽ trong lúc này chỉ với một mục tiêu duy nhất: đẩy lùi dịch bệnh.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoàn kết, đồng lòng để chiến thắng dịch bệnh