“Đẻ non, chín ép”

21/07/2019 07:18

"Đẻ non, chín ép" là câu cửa miệng dân gian, nhưng có nội hàm sâu sắc. Đó là một thông điệp, rằng cần phải coi trọng quy luật tự nhiên. Nếu coi thường, ắt phải chịu hậu quả xấu!

Càng gần đến kỳ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, câu chuyện về lựa chọn bầu cấp ủy, nhất là ai sẽ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo chủ chốt lại được người dân sôi nổi luận bàn. Và câu thành ngữ "đẻ non, chín ép” luôn được nhắc đến trong khi trò chuyện.

Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất đều ở độ tuổi rất trẻ. Các đồng chí Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ là Tổng Bí thư khi mới 26tuổi, đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư lần đầu khi 34 tuổi. Đó là những cán bộ trưởng thành từ tôi luyện cách mạng, hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

"Đẻ non, chín ép" là một thành ngữ của người Việt được hình thành từ đời sống thực tế. Nó có ý nói về những sự gượng ép, không tuân theo quy luật tự nhiên, thông thường, với ý nghĩa tiêu cực. Trong công tác tổ chức, đề bạt cán bộ, bổ nhiệm chức vụ của cơ quan, đơn vị, đoàn thể hoặc tổ chức xã hội… thành ngữ này có ý phê phán, chê trách.

Tạo hóa sinh ra khi loài cây trưởng thành, đơm hoa kết trái. Ban đầu trái còn xanh rồi ương và chín. Quả chín đúng vụ sẽ thơm ngon. Khi quả chín ép do thời tiết hay tác nhân… khiến cho bề ngoài tuy đẹp mã, nhưng chất lượng kém, thậm chí bị hư hỏng không dùng được. Với những loài vật bị đẻ non, cũng khó nuôi, hoặc bị chết yểu.

Trong công nghiệp, mặc dù có công nghệ tiên tiến can thiệp, đôi khi con người vẫn phải tuân thủ quy luật tự nhiên. Thi công công trình xây dựng, dù muốn rút ngắn thời gian đến đâu, khi đổ bê tông, người thợ vẫn phải đợi cho xi măng đông kết, có đủ độ kết cấu mới được làm công đoạn tiếp theo. Tấm phôi đúc ra lò cần phải có thời gian làm nguội tự nhiên, sau đó mới có thể gia công cắt gọt. Như thế mới không bị biến dạng và có độ bền cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp còn thế thì đối với con người, quy luật về tự nhiên càng có tầm quan trọng. Đốt cháy giai đoạn là cần thiết nhưng không phải vì thế mà bất chấp, chà đạp lên nguyên tắc, dẫn đến "chín ép” như đã nói ở trên. Cán bộ phải được học tập, tu dưỡng rèn luyện liên tục, từ thấp lên cao, trải qua thử thách để thạo việc. Giống như quy luật quả xanh, rồi ương, rồi chín. Đến lúc ấy, người được bổ nhiệm vào vị trí tương xứng đều vững vàng trong nhiệm vụ được giao. 

Thật đáng tiếc, chỉ do mối quan hệ, là hậu duệ, con ông cháu cha, thậm chí vì tiền tệ… có những người được bổ nhiệm vào chức vụ cao, rất nhanh, thậm chí "thần tốc". Chín ép như thế nên non kém về chính trị, sa sút về ý chí, vụng về chuyên môn. Ỷ thế vào người chống lưng che chắn, sinh kiêu căng, tự mãn, bất chấp pháp luật, dẫn tới bị cách chức trong Đảng, có người sa chân vào vòng lao tù rất nhanh. Có trường hợp mới thăng chức chỉ một thời gian ngắn sau đã bị cách chức.

Trong "Kinh  thi" - một loại thơ dân gian của Trung Hoa, có câu "Tảo khai, tảo lạc", nghĩa là hoa nở sớm, rụng sớm là thế.

"Đẻ non, chín ép" là câu cửa miệng dân gian, nhưng có nội hàm sâu sắc. Đó là một thông điệp, rằng cần phải coi trọng quy luật tự nhiên. Nếu coi thường, ắt phải chịu hậu quả xấu!

Chuyện chạy chức, chạy quyền có ý nghĩa đốt cháy giai đoạn, giống như quả bóng trong gió bão. Những người chỉ dựa vào "quan hệ", "hậu duệ", "tiền tệ", "đồ đệ" không có trí tuệ và kinh nghiệm cuộc sống, khi gặp gió bị chao đảo, phá vỡ. Ở Tây Nguyên, Đà Nẵng, Hà Nội, các bộ, ngành đều có những ví dụ về "đẻ non, chín ép". Nhiều cậu ấm, cô chiêu, con quan được nâng đỡ đã thành loại quả "chín ép", không bao lâu trên chính trường, có người xin thôi việc, xin ra khỏi Đảng. Họ là nạn nhân trong câu chuyện vừa đau xót, vừa nực cười. Nhưng lại tiếc cho bao người có đủ tài đức bị những quả non, chín ép chặn đường. 

Mới hay quy luật tự nhiên có sức mạnh bền vững.

LÝ YẾN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đẻ non, chín ép”