Đạo đức giáo viên

29/12/2018 12:50

Thời gian qua, trên một số báo và trang mạng xã hội liên tục đưa những bài viết kèm theo hình ảnh phản cảm về những hành vi vi phạm đạo đức của giáo viên.

Tại Trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy bắt 23 em học sinh lớp 6/2 do cô làm chủ nhiệm, mỗi học sinh tát 10 cái vào má em Hoàng Long N. do em nói tục. Nhẫn tâm hơn, sau khi 23 em tát đủ 230 cái, giáo viên Thủy còn tát cái cuối cùng, nâng tổng số cái tát lên 231, khiến em N. phải vào viện sau đó. Sự việc vỡ lở, dư luận lên tiếng phản đối gay gắt về cách hành xử của giáo viên Thủy. Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là cô Hiệu trưởng còn cố tình che giấu cho cô giáo Thủy. Thậm chí, để không bị mất điểm thi đua vì đang chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trường này còn nghĩ ra cách lấy phiếu hỏi học sinh lớp 6/2 với 18 câu gợi ý hòng làm nhẹ tội cho giáo viên như: "Khi tát cô Thủy có ở đó không? Cô Thủy bắt tát hay các em tự tát...".

Chỉ vài ngày sau, tại Trường Mầm non B Trực Đại, huyện Trực Ninh (Nam Định), hai cô giáo buộc dây vào cổ áo bé trai lớp 4 tuổi rồi cột vào cửa sổ. Hình ảnh trên được một phụ huynh có con học cùng lớp chụp được, đưa lên mạng, gây phẫn nộ trong dư luận. Nạn nhân của trò bạo hành này là cháu N.T.P. vốn bị bệnh tâm thần, vừa câm vừa điếc, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Tiếp đến, tại Trường Tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa (Hà Nội), cô giáo Nguyễn Hà Trang, chủ nhiệm lớp 2A5 cho học sinh tát bạn 50 cái vì bạn nói chuyện riêng. Sự việc đang được điều tra làm rõ...

Qua những vụ việc trên cho thấy vấn đề vi phạm đạo đức của giáo viên đang ở mức báo động. Hình ảnh người thầy, người cô không còn được sự quý trọng nguyên vẹn của phụ huynh, học sinh và xã hội. Nhiều câu hỏi đặt ra: Vì sao đạo đức một số giáo viên xuống cấp như thế? Có cách gì và làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Đất nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, hậu quả để lại rất nặng nề. Từ một nước nghèo, kinh tế kém phát triển, chúng ta đã khắc phục mọi khó khăn vươn lên trở thành nước có nền kinh tế đang phát triển, có thu nhập ở mức trung bình. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Công tác giáo dục - đào tạo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, dành ngân sách lớn. Nhưng những bất cập vẫn còn xảy ra ở nơi này nơi kia. Nguyên nhân chính vẫn là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhân cách chưa đến nơi đến chốn. Luật Giáo dục và những quy định về đạo đức giáo viên chưa đủ sức răn đe. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm còn nặng về lý thuyết, chưa bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến ngoài xã hội để đối chứng, liên hệ đến cách hành xử của giáo viên. Vì vậy, nhiều nhà giáo hành xử tùy tiện, bản năng.

Nhằm khắc phục tình trạng bạo lực học đường, nâng cao đạo đức giáo viên, ngày 6.12.2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chỉ thị đôn đốc việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, các quy tắc ứng xử, quy tắc làm việc của cơ quan, đơn vị. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, chủ động giải quyết các tình huống xảy ra. Hy vọng từ sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ của ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp có hiệu quả của nhà trường - gia đình - xã hội, sự tự giác thực hiện các quy định của ngành, đạo đức của đội ngũ giáo viên sẽ được nâng cao, tình trạng bạo hành trong trường học sớm được chấm dứt.

VŨ HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo đức giáo viên