“Cuộc chiến” tuyển sinh

21/09/2020 09:33

Các trường đại học trong cả nước đang gấp rút tuyển sinh.

Khác với trước đây, khi thí sinh phải chủ động đăng ký và cạnh tranh nhau để có một suất trong giảng đường, ngày nay, nhiều trường phải tìm mọi cách để “giành giật” thí sinh.

Đa số các trường, kể cả những trường thuộc tốp trên đều tuyển sinh bằng nhiều hình thức để mỗi thí sinh tự cân nhắc đăng ký hình thức xét tuyển nào có lợi nhất cho mình. Có trường đại học thuộc tốp dưới nhắn tin, gọi điện cho hàng nghìn thí sinh có điểm thi thấp, chỉ từ điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để mời chào đăng ký vào trường mình. Chuyện học sinh nhận được giấy báo trúng tuyển đại học dù không đăng ký không còn hi hữu. Mới đây, một trường THPT ở Kiên Giang có gần 200 học sinh cùng được thông báo trúng tuyển từ một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, học sinh còn được các trường đại học nhận vào học kiểu “xí chỗ” từ trước khi thi tốt nghiệp.

Tuyển sinh đang trở thành một “cuộc chiến” giữa các trường đại học. Không thể phủ nhận trong cuộc chiến này, các thí sinh ít nhiều thuận lợi hơn trong việc đăng ký xét tuyển. Thông tin về đăng ký xét tuyển được đưa đến tận tay các em thông qua nhiều kênh. Các em có nhiều cách lựa chọn để được xét tuyển, tăng cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua ráo riết này, có không ít chiêu trò không lành mạnh được đưa ra như bêu xấu trường khác trên mạng xã hội, trong thư nặc danh để nâng trường mình lên, câu kéo thí sinh một cách không chính trực, thậm chí đánh sập website của trường khác… Để đạt mục đích tuyển sinh, các trường này đã bôi xấu môi trường giáo dục, khiến người ta không khỏi băn khoăn liệu trong ngôi trường ấy sinh viên có được đào tạo bài bản và được bồi đắp về đạo đức hay không... Đứng trước những cơ hội nhập học "mênh mông" đó, thí sinh và phụ huynh nếu không tỉnh táo để chọn lọc thông tin kỹ càng thì có thể lựa chọn sai lầm, dẫn đến tốn kém thời gian, chi phí cho việc học ngành nghề không phù hợp.

Sở dĩ có sự cạnh tranh như vậy do các trường hiện nay được tăng quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh và tự chủ tài chính. Việc có tuyển được đủ sinh viên hay không là nhiệm vụ sống còn vì có sinh viên theo học thì trường mới có nguồn thu. Tuy nhiên, để “cuộc chiến” tuyển sinh lành mạnh và công bằng, vẫn cần sự giám sát sát sao hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các trường vi phạm quy chế tuyển sinh như tự ý tăng chỉ tiêu, khai khống giảng viên cơ hữu, gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh không đăng ký xét tuyển hoặc chưa thi tốt nghiệp THPT… cần xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Theo Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy chế tuyển sinh sẽ bị giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tới, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo... Nhưng hầu như chưa có trường hợp vi phạm nào bị xử lý ở những mức này mà đa số chỉ là cảnh báo chung với tất cả các trường nên tính răn đe chưa đủ mạnh. Bên cạnh sự tăng cường quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng, mỗi phụ huynh, thí sinh cũng cần cảnh giác trước những chiêu trò tuyển sinh không lành mạnh của các trường đại học, tránh bị lôi kéo, lợi dụng.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Cuộc chiến” tuyển sinh