Của cho và cách cho

10/04/2020 17:37

Không chỉ mở ra nguồn sống cho người nghèo đô thị, chiếc "ATM gạo" còn tạo điều kiện cho hàng nghìn người khác có dịp mở lòng cùng đất nước.

Mấy hôm nay, câu chuyện đáng yêu về cái máy "ATM gạo" ở Vườn Lài (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) ngập tràn trên báo chí và mạng xã hội. Câu chuyện ấy minh chứng cho tinh thần "nhiễu điều phủ lấy giá gương" không phải là điều gì lạ lẫm.

Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi lần gặp thiên tai địch họa, những tấm lòng người Việt thảo thơm lại chia sẻ cùng đồng bào qua từng gói mì, từng bao gạo, chai nước…

Nhưng với đại dịch COVID-19 này thì khác. Không thể chở hàng xe gạo, xe mì về tận từng vùng và trao tận tay người hoạn nạn. Đưa nhu yếu phẩm tận tay người cần cứu giúp thì dễ, nhưng để người dân nhận được một cách công bằng và an toàn như khuyến cáo của ngành y tế trong mùa dịch thì không dễ.

Vì thế, cũng là cứu trợ, là tương thân tương ái nhưng chiếc máy "ATM gạo" gây sốt cộng đồng vì nó đã giải được hai vấn đề của bài toán: kịp thời cứu trợ cho dân và giúp cho người đến nhận cứu trợ giữ được khoảng cách an toàn trong mùa dịch.

Điều tuyệt vời hơn nữa mà ngay chủ nhân của sáng chế này chắc cũng không hình dung ra được là cái máy "ATM gạo" giờ đây đã được biến thành nồi cơm Thạch Sanh, khi lượng gạo mà công ty anh dự trù phát cho bà con ban đầu bị vơi đi nhanh chóng vì lượng người cần cứu giúp quá nhiều thì ngay lập tức hàng nghìn tấm lòng Sài Gòn thơm thảo đã mang đến đổ thêm gạo vào máng chứa.

Người dăm ba cân, người vài ba tạ, người dăm bảy tấn… cứ thế, người cho cứ cho, người nhận cứ nhận, dòng chảy của gạo không còn lo bị đứt đoạn.

Có điều, nếu nồi cơm Thạch Sanh được cả đạo quân ăn hết lại đầy là câu chuyện cổ tích, sản phẩm của trí tưởng tượng thì cái máy "ATM gạo" chắc chắn không vơi trong mùa dịch này không phải là cổ tích hay thần thoại mà nó là hiện thực sinh động về tấm lòng người Việt lúc gian nan, hoạn nạn.

Một điều thú vị nữa khi câu chuyện về máy "ATM gạo" như là một cánh cửa mở của lòng người nhưng anh Hoàng Tuấn Anh, tác giả của công trình "ATM gạo" này, lại là giám đốc công ty chuyên về khóa điện tử và nhà thông minh - Công ty PHG Lock. Một người với chuyên môn về khóa, lại sáng chế ra một công cụ có tính mở.

"ATM gạo" không chỉ mở ra nguồn sống cho người nghèo đô thị những ngày này mà còn tạo điều kiện cho hàng nghìn người khác có dịp mở lòng cùng đất nước, mở lòng cùng nhân dân.

"ATM gạo" cũng là một gợi ý về phương pháp cứu trợ trong bối cảnh dịch bệnh, từ mô hình này có thể nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu qua đỉnh.

Của cho không bằng cách cho. Cũng cứu trợ nhưng cách làm của anh Hoàng Tuấn Anh rất thông minh, sáng tạo, thực hiện đúng yêu cầu phòng dịch (người đến nhận gạo phải đứng cách nhau 2m, có nước sát khuẩn rửa tay...) và đã được đông đảo người dân hưởng ứng đóng góp.

Trong khi đó, ở một số nơi cũng có chuyện cứu trợ mà như bố thí, ban phát và bát nháo đến mức công an phải ra tay giải tán…

Chiếc máy "ATM gạo" cũng như một biểu tượng nhân lên nét đẹp đạo lý của người Việt "bầu ơi thương lấy bí cùng", như lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước toàn dân: "Sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19".

LÊ ĐỨC DỤC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Của cho và cách cho