Con đường lan truyền bạo lực

04/04/2019 08:20

Vụ việc nữ sinh lớp 9 ở tỉnh Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng dã man ngay tại lớp học thêm một lần nữa gióng hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường đang ngày càng phức tạp.

Trong thời gian gần đây tại các trường học trong cả nước liên tiếp diễn ra những vụ bạo hành, ẩu đả với sự tham gia của hai nhóm đối tượng chính là học sinh và giáo viên, từ học sinh xô xát, đánh nhau đến giáo viên đánh học sinh, học sinh đánh giáo viên. Gần đây nhất là vụ 6 nữ sinh lớp 8 ở Nghệ Anh đánh hội đồng bạn nữ cùng lớp; cô giáo đánh hơn 20 học sinh bầm chân ở Vũng Tàu.

Trao đổi tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên sáng 31.3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị lãnh đạo các địa phương, các nhà trường nhận thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực học đường, có các giải pháp quyết liệt để không tái diễn các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, sự quản lý chưa chặt chẽ của nhà trường, địa phương chỉ là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Khi trong người học sinh đã có những mầm mống của bạo lực thì nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài không ở môi trường này thì ở môi trường kia, không với đối tượng này thì là đối tượng khác; nên cần ngăn chặn để nó không hình thành. Vậy những con đường nào đã khiến mầm mống bạo lực nảy sinh trong lứa tuổi học sinh, lẽ ra là thời điểm con người hồn nhiên, vui tươi nhất?

Có thể thấy bên cạnh những vụ học sinh đánh nhau, có không ít trường hợp giáo viên đánh học sinh để lại thương tích. Những giáo viên này đều coi đòn roi là một phương pháp giáo dục và không ít người vẫn ủng hộ phương pháp này. Trong mắt những đứa trẻ, giáo viên luôn là khuôn mẫu chuẩn mực cho cách hành xử (cha mẹ nào chẳng dặn con “phải nghe lời thầy, cô giáo”). Khi giáo viên dùng bạo lực để phạt trẻ với mục đích khiến trẻ ngoan hơn, biết nghe lời thì vô hình trung trong đầu óc trẻ hình thành nhận thức có thể sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Từ đó, học sinh có thể thấy việc đánh người khác là bình thường (vì thầy cô mình còn làm thế cơ mà). Con đường hình thành bạo lực có thể đến từ chính nơi tưởng như lành mạnh, an toàn nhất như thế.

Sự bùng nổ của mạng xã hội trong thời đại công nghệ thông tin làm nảy sinh những “thần tượng” vô văn hóa, một hiện tượng ngược đời nguy hiểm. Những tên tuổi như Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền… với quá khứ bất hảo, từng vào tù ra tội vì đánh người, cố ý gây thương tích, nói tục chửi bậy lại được đông đảo học sinh tuổi mới lớn ngưỡng mộ. Trang cá nhân của những đối tượng này với các clip phản cảm được hàng trăm nghìn người, trong đó có rất nhiều học sinh theo dõi. Vừa qua, các đối tượng này đi tới một số địa phương còn được rất đông các bạn trẻ chào đón như những người hùng. Con đường lan truyền bạo lực này rất nhanh chóng và rộng khắp khi những kẻ ưa bạo lực, hành hung người khác được tôn vinh.

Có những ý kiến cho rằng hành vi của những người như Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền trên mạng xã hội không vi phạm pháp luật, rất khó để xử lý. Nhưng đó cũng chỉ là cái ngọn của vấn đề. Để giới trẻ không có sự ngưỡng mộ lệch lạc dẫn đến việc coi sử dụng bạo lực theo kiểu giang hồ là đáng để noi theo thì gia đình, nhà trường cần giáo dục nhận thức cho các em về các chân giá trị trong cuộc sống. Để học sinh không bị cuốn hút, say mê những clip phản cảm, cổ vũ bạo lực thì cần có những chương trình lành mạnh, hấp dẫn hơn để các em theo dõi, tham gia trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực. Truyền thông, báo chí không nên đưa tin về những nhân vật này mà không có sự định hướng rõ ràng, khiến độ “phủ sóng” của họ lại càng rộng khắp.

Để những mầm mống bạo lực không nảy sinh, lan truyền, người lớn cần phải làm gương và gieo nhiều hơn nữa những hạt giống tốt lành trong nhận thức của học sinh, giúp các em xây dựng cơ chế phòng vệ trước cái xấu.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con đường lan truyền bạo lực