Cổ vũ bóng đá văn minh

17/12/2018 10:33

Tối 15.12, nhiều người Việt Nam khó ngủ bởi ngất ngây với chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Rất nhiều người đổ ra đường để chúc mừng và chia vui.

Không chỉ trận chung kết này, với tinh thần hâm mộ đặc biệt dành cho môn thể thao vua thì bất cứ trận đấu nào có đội tuyển Việt Nam thi đấu và chiến thắng cũng trở thành một ngày hội của người hâm mộ bóng đá.

Còn nhớ, khi các cầu thủ trẻ của chúng ta tiến sâu vào trận chung kết giải U23 châu Á hồi đầu năm, họ đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về tinh thần quả cảm, nỗi khát khao chinh phục đỉnh cao. Tinh thần đó đã tạo ra nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các cổ động viên (CĐV) bóng đá cả nước. Hàng triệu người từ nông thôn đến thành thị đã rủ nhau xuống đường mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu để tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ trên sân bóng.

Hẳn không ai có thể ghìm giữ được cảm xúc khi chứng kiến các CĐV thể hiện sự cuồng nhiệt với môn thể thao vua. Mỗi tiếng hô đồng thanh "Việt Nam vô địch" như truyền cảm hứng cho cả cộng đồng, mà động lực và chất keo gắn kết từ bên trong là niềm tự hào dân tộc, là cảm giác "tất cả là một công dân Việt Nam duy nhất". Tinh thần đó, cảm xúc đó đã góp phần truyền bá những hình ảnh tích cực của Việt Nam ra bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hình ảnh thiếu văn minh của một bộ phận không nhỏ các CĐV bóng đá. Họ thể hiện cảm xúc một cách thiếu hiểu biết, thậm chí đi ngược lại tinh thần của các CĐV đích thực. Kéo nhau tụ tập, đốt pháo sáng, la hét ầm ĩ nơi công cộng; đi xe máy chở 3-4 người không đội mũ bảo hiểm, phóng bạt mạng trên các tuyến phố, rú còi inh ỏi… Họ không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường nhật của người dân. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với những bạn trẻ còn đang độ tuổi thanh xuân, để lại niềm thương xót cho gia đình, bè bạn và hệ lụy cho xã hội.

Trong số hò reo cổ vũ có cả những người mượn danh bóng đá để lấy cớ tụ tập, quậy phá. Trên một diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến đã tỏ ra bất bình trước hình ảnh một nhóm bạn trẻ ngồi trong quán xem tường thuật bóng đá trực tiếp. Điều đáng nói là suốt thời gian diễn ra trận đấu, nhóm này hầu như chỉ tập trung uống bia rượu và bàn đợi hết trận đấu để ra đường "đi bão". Họ không theo dõi diễn biến trận đấu, nhưng lại hò reo náo loạn, đập vỡ vỏ chai bia khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn. Ở đây, rõ ràng không có tinh thần cổ vũ thể thao lành mạnh, mà chỉ là lợi dụng không khí sôi động để thực hiện các hành vi thiếu văn minh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Ở một góc độ khác, không ít CĐV còn thể hiện tính cay cú ăn thua khi có một cầu thủ chơi dưới phong độ hoặc mắc sai lầm. Họ sẵn sàng hùa nhau "ném đá", kể cả dùng những lời lẽ xúc phạm với cầu thủ mà mới chỉ hôm qua họ vẫn không ngớt lời ca ngợi.

Cổ vũ bóng đá văn minh, trước hết phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông như đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi đường. Khi tụ tập ở nơi công cộng, các CĐV cũng không được phép sử dụng chiêng trống, còi kèn gây ồn ào thái quá; không xả rác bừa bãi, không xâm phạm cảnh quan môi trường. Một điều nữa cũng cần lưu tâm, đặc biệt đối với các bạn trẻ, đó là các hành vi phản cảm với Quốc kỳ. Việc này tuy ít xảy ra, nhưng theo quy định của pháp luật, các hành vi xâm phạm tới sự tôn nghiêm, tới biểu tượng của quốc gia, dân tộc đều có thể bị đưa ra xử lý trước pháp luật.

Thể thao luôn là một chất keo gắn kết cộng đồng, dân tộc. Tình yêu với thể thao nói chung và bóng đá nói riêng cần được thể hiện đúng cách và đúng chỗ. Mỗi CĐV văn minh sẽ là một niềm động viên đối với các cầu thủ đang miệt mài tập luyện, cống hiến trên sân cỏ để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Khi tất cả cùng thể hiện niềm đam mê bóng đá một cách văn minh, thì niềm vui mà các cầu thủ mang về mới thực sự là niềm vui trọn vẹn.

LÊ VŨ HỘI

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ vũ bóng đá văn minh