Chống dịch trên nhiều mặt trận

12/03/2019 07:17

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Hải Dương. Đây là loại bệnh dịch rất nguy hiểm đối với đàn lợn, hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc chữa trị.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 4.3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc chống dịch bệnh này như chống giặc, các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc để ngăn chặn có hiệu quả. Tính đến ngày 10.3 dịch bệnh đã xuất hiện ở 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù dịch xuất hiện trong một thời gian chưa dài nhưng nhìn vào những diễn biến xung quanh dịch bệnh này cũng như một số dịch bệnh đã xảy ra trước đây, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để việc phòng chống dịch bệnh hiệu quả, giảm bớt thiệt hại.

Nếu coi dịch bệnh này giống như một loại giặc thì chúng ta cần chiến đấu chống lại trên nhiều mặt trận chứ không chỉ đơn thuần về công tác thú y, vệ sinh dịch tễ... Khi một bệnh dịch xuất hiện thì bên cạnh khả năng lan truyền bệnh, việc lan truyền các tin đồn thường còn nhanh hơn, nhất là trong thời buổi các phương tiện thông tin, mạng xã hội nở rộ như hiện nay. Sự lan truyền này có thể gây ra những hậu quả không kém phần nguy hại. Cuối tháng 2 vừa qua, người chăn nuôi ở một số địa phương trong TP Hà Nội lao đao vì tin đồn dịch bệnh này lây lan dù khi đó toàn thành phố mới có 3 địa phương được xác định có dịch. Trước đây, cũng đã từng có những tin đồn thất thiệt về các loại nông sản khiến nông dân điêu đứng như tin đồn về vải thiều rớt giá, khoai lang bị nhiễm độc, hạt xoài có nilon…  Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại huyện Hiệp Hòa, để người dân trong tỉnh không bị hoang mang, ảnh hưởng xấu đến giá lợn. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh, có các biện pháp phòng ngừa, không che giấu nếu lợn có biểu hiện bị bệnh thì việc ngăn chặn, xử lý những tin đồn thất thiệt cũng không kém phần quan trọng.

Để người dân không che giấu lợn nhiễm bệnh, không bán lợn bị bệnh ra thị trường, việc có cơ chế hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh hợp lý là rất cần thiết. Chính phủ đã cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy. Cần hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời để người dân yên tâm, đồng thời có vốn để tiếp tục sản xuất. Việc xác định số lượng, trọng lượng lợn bị bệnh cần tiêu hủy, giám sát việc tiêu hủy cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, tránh những gian lận gây thiệt hại cho ngân sách địa phương.

Người chăn nuôi, cán bộ thú y cơ sở và mỗi người dân đều cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện dịch bệnh. Tại tỉnh ta, nhiều người dân đã có nhận thức tốt về tình hình dịch bệnh, có trách nhiệm khai báo việc lợn có biểu hiện nhiễm bệnh. Các ổ dịch được phát hiện đều do người chăn nuôi chủ động khai báo để cơ quan chức năng lấy mẫu huyết thanh gửi đi xét nghiệm. Nhưng cũng vẫn còn những người lơ là, mất cảnh giác, chưa thực sự quan tâm tới tình hình dịch bệnh. Có những người nảy sinh tâm lý tẩy chay thịt lợn. Những biểu hiện này đều không đúng, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng, tránh gây thêm những thiệt hại không đáng có cho người chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, những vấn đề khác liên quan đến dịch bệnh cũng cần được phổ biến rộng rãi tới toàn thể người dân; tránh những trường hợp như nữ hành khách mang theo bánh tét sang Đài Loan đã bị phạt vì vi phạm quy định mang chế phẩm có thịt lợn đến nước này. Quy định này mới có từ ngày 15.2 do nước ta đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi nên không phải người dân nào cũng biết...

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch trên nhiều mặt trận