Chỉ vì "câu like"

10/12/2019 07:48

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người ăn xin mặc áo đen, bôi mặt đen, tay cầm đầu gà và xúc xích đi xin tiền ở một số địa phương với nhiều đồn đoán thất thiệt, gây hoang mang dư luận.

Tại Hải Dương cũng xuất hiện hình ảnh này ở cổng một trường mầm non của huyện Thanh Hà. Ngay sau đó, Công an huyện Thanh Hà đã xác minh, làm rõ đây chỉ là chiêu trò “câu like” của một thanh niên 19 tuổi ở xã Hồng Lạc.

Thanh niên này đã xúi giục bạn mình đóng giả "người mặc đồ đen" rồi chụp ảnh, đăng lên Facebook cá nhân để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Cùng ngày 6.12, một thanh niên ở Gia Lai cũng đã bị công an triệu tập làm rõ việc đăng tải hình ảnh bản thân mặc đồ đen, bôi mặt đen. Thanh niên này khai mục đích làm việc này cũng chỉ để “câu like”.

Không chỉ những thanh niên vô danh mới lợi dụng sự tò mò của cộng đồng mạng mà cả một ca sĩ ở TP Hồ Chí Minh cũng hóa trang thành nhân vật này rồi đăng lên trang Facebook cá nhân mình. 

Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết qua đối chiếu, xác minh các hình ảnh chỉ có 1 người đàn ông biểu hiện tâm lý không bình thường đi xin tiền người dân chứ không phải một nhóm và người này chưa có hành vi nào gây nguy hiểm.

Người áo đen “nguyên bản” chưa có hành vi gây nguy hiểm nhưng làn sóng đóng giả người áo đen đã gây ra sự hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.

Mà ranh giới giữa sự hoang mang đó với những hậu quả xấu thường rất mỏng manh. Tại chính xã Hồng Lạc, hơn 2 năm trước đã xảy ra vụ một số người đập phá, đốt xe ô tô của hai người khách đi mua đồ gỗ do nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những thông tin đồn đoán trên mạng xã hội mà hầu hết là sai lệch khiến người dân hoang mang nhìn đâu cũng thấy tội phạm, cái ác. 

Những năm gần đây, báo chí thường xuyên cảnh báo về hậu quả khó lường của việc tung tin giả trên mạng xã hội. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt nhưng sau đó vẫn tiếp tục có những vi phạm tương tự, thậm chí tạo thành trào lưu như đóng giả người áo đen vừa qua.

Nguyên nhân do việc xử phạt hiện còn hạn chế, mới chỉ có quy định xử phạt hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” (điểm a khoản 3 điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013), “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” (điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP).

Như vậy, hành vi đưa tin giả bị phạt mới chỉ giới hạn trong việc thông tin đó hướng đến tổ chức, cá nhân cụ thể và phải bị tổ chức, cá nhân đó đưa đơn kiện. Còn với những thông tin giả một cách vu vơ nhưng gây ra sự hoang mang dư luận vẫn chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Những người bị phát hiện đưa tin giả mới chỉ gánh hậu quả là sự bất bình, phản đối của cộng đồng nhưng nhiều khi họ chấp nhận để đánh đổi lấy lượng like trên mạng xã hội theo kiểu “nổi tiếng bằng tai tiếng”. Và có một thực tế là rất nhiều người sử dụng mạng xã hội chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân khi đăng thông tin lên đó. 

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả. Ngoài tạo hành lang pháp lý cho việc xử phạt tin giả một cách đầy đủ, toàn diện, không bỏ sót đối tượng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Ngay khi các tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận xuất hiện cần xác minh kịp thời, thông báo rộng rãi tới người dân bằng nhiều hình thức...

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ vì "câu like"