Muốn bình thường mới, cần tư duy mới

27/08/2020 14:09

Tìm ra lời giải cho bài toán đối mặt với Covid-19 để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần bắt đầu bằng những cách tư duy, suy nghĩ mới.

Sau gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp (DN) và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng. Theo số liệu của Cục Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 63.461 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm 32.722 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 21.802 DN chờ giải thể, 8.937 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Không khó khăn để nhận thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng DN theo chiều hướng xấu, kéo theo đó là sự khó khăn trong đời sống của những người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Gói hỗ trợ lần 2 có thể sẽ giúp cho một số DN cầm cự thêm được một khoảng thời gian trước mắt. Song theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục trong 2 năm tới và những tác động của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa. Ngân sách nhà nước sẽ không thể mãi hỗ trợ DN và người dân theo kiểu cứu trợ như hiện nay. Các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội cũng không thể tạm dừng lại kiểu “nín thở” chờ đại dịch qua bởi khi đại dịch kết thúc thì có khi tất cả cùng thoi thóp. Chính phủ đã kêu gọi người dân bước vào trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tìm ra lời giải cho bài toán đối mặt với Covid-19 để thực hiện thành công mục tiêu kép này, cần bắt đầu bằng những cách tư duy, suy nghĩ mới.

Trước tiên, chúng ta cần chấp nhận thực tế về đại dịch với những nguy cơ luôn tiềm ẩn ở mọi nơi để tuân thủ các nguyên tắc về an toàn như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao ý thức phòng chống dịch. Trạng thái “sống chung với dịch bệnh” không phải là buông xuôi, chấp nhận rủi ro mà luôn cẩn thận, đề phòng bởi nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào theo những cách nhiều khi chúng ta không lường trước được.

Thứ hai, bên cạnh hỗ trợ về vốn, các chính sách nên tập trung vào tạo môi trường hồi phục kinh tế, hỗ trợ về đường lối cụ thể với từng ngành nghề để khai thác thị trường trong nước, nâng cao năng lực và chất lượng nhân lực sản xuất. Trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế lớn, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới có xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và Việt Nam được đánh giá là một trong số những điểm đến tiềm năng. Tận dụng cơ hội này, cần có sự chuẩn bị các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư.

Thứ ba, cần tăng cường các chế tài hành chính cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Một số hành vi tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh hiện bị xử phạt quá thấp, chưa tạo tính răn đe, phòng ngừa. Một số hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, chúng ta đã xác định chống dịch là một cuộc chiến trường kỳ, cần sử dụng nghệ thuật quân sự truyền thống để có được một cuộc chiến tranh nhân dân chống lại kẻ thù chung này. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước đã hết sức nỗ lực trong việc ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, cứu chữa những người mắc bệnh. Song một bộ phận người dân cho rằng chống dịch là việc của cơ quan chức năng chứ chưa nhìn thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong đó. Phải thay đổi những suy nghĩ, hành vi này bằng cách tăng cường tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức. Trong cuộc chiến chống Covid-19, người dân phải chung tay gánh đỡ gánh nặng này cùng Nhà nước, mỗi thôn xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ với vũ khí là ý thức, sự tuân thủ quy định phòng chống dịch. Cuộc chiến này là cuộc chiến của toàn dân. Có đoàn kết, nỗ lực chiến đấu, cùng nhau chia sẻ khó khăn thì chúng ta mới chiến thắng được đại dịch.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn bình thường mới, cần tư duy mới