Chạy chức chạy quyền… một “ẩn ức đáng thương”

09/10/2019 16:05

Tư tưởng tham quyền cố vị lẽ ra chỉ nên tồn tại trong những xã hội bán khai, khi mà con người chưa nhận thức đầy đủ về sự bình đẳng...

Việc quá đề cao vai trò cá nhân, danh phận, chức vị, quyền lực… đã đẩy xã hội loài người vào những cuộc chém giết, tranh đoạt, kéo lùi sự phát triển của nhiều quốc gia, khiến nhiều dân tộc lầm than và khiến con người trở nên lẩn quẩn, cùn mằn trong một một mớ “giá trị” được xây dựng từ sự tham lam ấy.

Tư tưởng tham quyền cố vị đã đè nặng lên xã hội người Việt suốt nhiều thế kỉ qua. Có lẽ nỗi ám ảnh về sự nghèo hèn, thiếu thốn, về danh phận thấp bé, nhược tiểu và khát vọng thay đổi cuộc đời bằng đường quan lộc… khiến người Việt luôn quá chú trọng đến danh phận, chức tước, địa vị và xem đó như một tiêu chí đánh giá, một thước đo về sự thành đạt và giá trị con người mà quên rằng giá trị thực sự của một con người là ở chính nhân cách, nhận thức và những đóng góp của họ đối với cộng đồng, chứ không phải ở chỗ “kiếm được” bao nhiêu từ đồng loại.

Đáng tiếc, nỗi ám ảnh ấy vẫn nặng nề và lớn đến mức được truyền từ đời ông sang đời cha đến đời con, đời cháu… khiến các thế hệ sau không biết lấy gì để lấp đầy được những tham vọng ấy. Kì thực đó chỉ là sự ám ảnh chứ tự thân mỗi người không hẳn đã thiếu thốn, thấp hèn như họ nghĩ. Chỉ đến khi họ cố gắng lấp đầy những ám ảnh về sự thiếu thốn, nghèo hèn trong chính tâm hồn và suy nghĩ của họ bằng những chức quan “mua được” khi ấy họ mới trở nên nghèo hèn thực sự.

Nói như vậy để thấy rằng, chạy chức chạy quyền thể hiện một ẩn ức rất đáng thương của nhiều thế hệ người Việt. Nó bộc lộ đầy đủ sự thấp hèn, tham lam của người cố gắng “chạy”. Và người được “chạy” vì vậy cũng chẳng có gì cao quý hay đáng tự hào. Ngay cả khi cuộc sống xã hội đã sung túc hơn, hiểu biết đã mở mang hơn thì nhiều người vẫn nung nấu tham vọng làm quan để kiếm danh, trục lợi như một mục tiêu tối thượng của cuộc đời mà hoàn toàn quên rằng làm cán bộ là phụng sự xã hội, phụng sự Tổ quốc.

Những thương vụ bạc tỷ cho những chiếc ghế, những lập luận lấp liếm kiểu như con cháu lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc, những kiểu “nâng đỡ trong sáng”… là cách để nhiều người làm cho chiếc ghế đang ngồi trở nên “chính danh”. Vậy nên không thiếu những ông “quan huyện, quan phủ” đưa cả em trai, con trai, con gái, con dâu trở thành những cán bộ cấp dưới… hoặc bằng cách này cách khác, một nhân viên nhà hàng chưa có bằng cấp 3 có thể trở thành cán bộ cấp trưởng phòng của tỉnh ủy…

Và khi quan chức là những người bất chấp liêm sỉ,  “vận dụng” mọi cách từ tiền bạc, bằng cấp giả, gian lận thi cử, khai man lý lịch, trình độ cho đến những mối quan hệ thân quen, dòng tộc, đồng hương… để kiếm một chức “quan”, để hình thành nên phe cánh, thuộc hạ... nhằm kiếm lợi từ việc làm quan, nhằm thỏa mãn tham vọng quyền lực thì đó cũng chính là lúc xã hội không thể kì vọng gì vào những con người như vậy nữa. Đáng sợ hơn khi suy nghĩ ấy đang ngày càng trở nên phổ biến và được thỏa hiệp bởi bộ phận những người có quyền lực thì nguy cơ suy vong của dân tộc, của đất nước là đều khó tránh khỏi.

Cùng với hành vi chạy chức chạy quyền thì việc chống chạy chức chạy quyền cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặt ra một cách xuyên suốt. Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Bộ Chính trị mới được ban hành gần đây một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm soát quyền lực và đấu tranh với tệ chạy chức chạy quyền.

Quy định này đã chỉ đích danh, cụ thể các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền… và đề ra những giải pháp, chế tài cương quyết, kể cả việc xử lý hình sự đối với những hành vi này. Quy định này tiếp tục là một thông điệp đáng mừng sau hàng loạt những vụ án lớn, liên quan đến những quan chức cấp cao được xử lý triệt để, không có vùng cấm. Người dân có quyền kì vọng, tin tưởng vào sự quyết tâm đó của Đảng và Nhà nước.

Những biện pháp xử lý cương quyết đối với tình trạng chạy chức chạy quyền là việc làm hết sức cần thiết để duy trì sự minh bạch của bộ máy nhà nước, nhưng nếu nhìn lại suốt tiến trình lịch sử, thì việc xóa bỏ tình trạng chạy chức chạy quyền đòi hỏi một sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Ở đó những giá trị về con người cần được nhìn nhận một cách khác, văn minh hơn. Và hơn ai hết, mỗi người Việt phải tự thoát ra khỏi sự “ẩn ức” về danh phận cá nhân để hướng đến những giá trị cộng đồng và nhân loại.

LÊ HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạy chức chạy quyền… một “ẩn ức đáng thương”