Cân bằng quyền lao động với nghỉ ngơi

09/05/2019 07:59

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến có hai đề xuất được đông đảo người lao động hết sức quan tâm.

Đó là mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) và tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình.

Cả hai đề xuất này đều hướng tới việc tăng giờ làm việc của người lao động trong ngắn và dài hạn. Trong nhiều trường hợp, làm việc là một quyền lợi của người lao động. Nhiều công nhân mong muốn được phép làm thêm nhiều giờ hơn để nâng cao thu nhập. Nhiều người lao động có kinh nghiệm, kiến thức và sức khỏe tốt mong muốn số năm công tác dài hơn hiện tại để có thêm thời gian cống hiến cho nghề nghiệp của mình. Đội ngũ những lao động giàu kinh nghiệm này còn là nguồn nhân lực quan trọng giúp đào tạo những lớp lao động trẻ kế cận. Với độ tuổi nghỉ hưu hiện tại, nhiều lao động nữ có năng lực, sức khỏe nhưng lại không đủ thời gian để được quy hoạch vào nguồn cán bộ lãnh đạo và bổ nhiệm.

Song bên cạnh đó, có không ít bất cập có thể nảy sinh khi tăng thời gian làm việc của người lao động. Khi số giờ làm thêm tối đa được nâng lên, sẽ có những doanh nghiệp dựa vào đó để bắt ép công nhân tăng ca dù họ không mong muốn; chưa kể đến việc tiền làm thêm giờ của người lao động thường xuyên là nguyên nhân gây ra các vụ đình công do chủ sử dụng lao động trả không thỏa đáng, chậm chi trả. Làm thêm nhiều trong khi sức khỏe có hạn sẽ làm giảm năng suất, chất lượng lao động cho dù người lao động tình nguyện làm thêm. Cả việc làm thêm nhiều lẫn về hưu muộn đều khiến lực lượng chuẩn bị gia nhập thị trường lao động bị mất nhiều cơ hội việc làm, gia tăng nguy cơ thất nghiệp cho giới trẻ. Có một bộ phận không nhỏ người lao động không muốn làm thêm hoặc về hưu muộn mà mong muốn được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện quyền làm việc cho người lao động thì cũng cần tính đến việc cân bằng quyền nghỉ ngơi cho họ. Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ bảo đảm các doanh nghiệp không bắt ép người lao động phải tăng ca và số giờ làm thêm phải phù hợp với tính chất công việc, sức khỏe người lao động. Đồng thời cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm, chứ không phải cào bằng như hiện tại. Có như vậy các doanh nghiệp buộc phải tính toán trước khi huy động làm thêm giờ và người lao động càng làm thêm nhiều thì thu nhập càng cao để có điều kiện tái tạo sức lao động. Khi số giờ làm thêm tăng lên, các doanh nghiệp phải nâng cao cả chất lượng bữa ăn, có thêm các hoạt động sinh hoạt văn hóa… để bảo đảm sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cho người lao động.

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi cần tính toán, xem xét kỹ càng theo các nhóm ngành nghề cụ thể, nhất là các nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Theo dự thảo thì độ tuổi nghỉ hưu của nam giới tăng thêm 2, của nữ giới tăng tới 5 tuổi trong khi lao động nữ thường phải gánh vác công việc gia đình nhiều hơn, mất nhiều thời gian, sức lực cho việc mang thai, sinh nở, chăm sóc con cái khi còn nhỏ. Vì vậy, cần ưu tiên nữ giới nhiều hơn trong việc lựa chọn thời điểm nghỉ hưu linh hoạt. Song song với việc kéo dài thời gian làm việc, về lâu dài cần nâng cao năng suất, chất lượng đội ngũ lao động và có các biện pháp quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả, bảo đảm cân bằng quỹ bảo hiểm hưu trí trong lâu dài.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân bằng quyền lao động với nghỉ ngơi