Biến rác thành điện, lợi cả đôi đường

21/03/2019 09:05

Mô hình "Nhà máy đốt rác kết hợp phát điện" là phương án rẻ nhất và hiệu quả nhất hiện nay.

Những năm qua, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, lượng rác thải sinh hoạt (RTSH) ở cả khu vực nông thôn và thành thị trong tỉnh đều không ngừng gia tăng. Mặc dù các cấp, các ngành đã nghiên cứu, áp dụng nhiều mô hình để xử lý nhưng đều chưa hiệu quả. Nguy cơ về cuộc khủng hoảng RTSH đang hiện hữu, đe dọa môi trường và đời sống người dân. Vậy đâu là lời giải cho bài toán này hiện nay?

Theo số liệu của ngành tài nguyên và môi trường, mỗi ngày người dân trong tỉnh thải ra môi trường hơn 800 tấn RTSH. Con số này có thể còn tăng lên trong những năm tới. Trước thực trạng này, thời gian qua, Hải Dương nói riêng, cả nước nói chung đã có nhiều biện pháp để xử lý RTSH nhưng hầu hết đều chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Ở Hải Dương, từ việc xây dựng các bãi chôn lấp rác thải ở các xã, thị trấn, đến  xây nhà máy đốt rác đều đã được triển khai nhưng đến nay phần lớn bãi rác ở các xã, thị trấn đều quá tải, trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy đốt rác ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) do năng lực hạn chế nên cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ lượng RTSH của toàn tỉnh. Không những thế, nhà máy này còn gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.

Qua tìm hiểu ở các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung, hầu hết các nước đều lựa chọn mô hình "Nhà máy đốt rác kết hợp phát điện". Đây là phương án rẻ nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo rằng điều quan trọng nhất là các nước phải chọn được công nghệ hiện đại nhất, phù hợp nhất, tránh tình trạng chính các nhà máy đốt rác lại gây ô nhiễm môi trường dẫn đến người dân phản đối. Ở Nhật Bản, câu chuyện RTSH cách nay 30 năm cũng là vấn đề nhức nhối bởi đa số rác thải được vận chuyển đến các bãi rác và vứt bỏ, chỉ khoảng 5% được tái chế. Sau nhiều năm thực hiện các giải pháp, hiện chỉ còn 1,2% rác thải được chở đến các bãi rác; rác chủ yếu được đốt để phát điện. Đa số các nhà máy đốt rác phát điện ở Nhật Bản đều bảo đảm được yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Còn ở nước ta, Chính phủ đã cấp phép cho một số dự án đốt rác để phát điện. Ở Hải Dương, tỉnh cũng đã đồng ý cho phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng). Các cơ quan chức năng của tỉnh đã đánh giá tác động môi trường đối với dự án, việc lựa chọn vị trí đã bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định của Nhà nước. Mặc dù vậy, hiện nay một bộ phận người dân ở xã này vẫn chưa đồng thuận để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại địa phương. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh, huyện Cẩm Giàng, xã Lương Điền cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận xây dựng nhà máy. Bởi xử lý RTSH bằng cách đốt và kết hợp phát điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt hiện nay là lời giải "lợi cả đôi đường" cho bài toán xử lý rác thải.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến rác thành điện, lợi cả đôi đường