Cuba ở thời khắc chuyển giao lịch sử

19/04/2018 17:35

Hôm nay nhà lãnh đạo Raúl Castro (86 tuổi) sẽ rời cương vị chủ tịch Cuba khi đất nước vùng Caribê kết thúc một chương lịch sử kéo dài 60 năm gắn liền với dòng họ Castro để bước sang một giai đoạn mới.

Dự kiến ông Miguel Díaz-Canel sẽ kế nhiệm ông Raúl Castro. Ảnh: Reuters

Quốc hội Cuba đã khai mạc kỳ họp quan trọng và trong ngày 18.4, giờ địa phương, sẽ tổ chức phiên bỏ phiếu bầu ra Chủ tịch hội đồng nhà nước, cũng là Chủ tịch nước. 

Cho tới lúc này, nhân vật gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm ông Raúl Castro là ông Miguel Díaz-Canel (57 tuổi), phó chủ tịch thứ nhất đương nhiệm.

Sự chuyển giao quan trọng

Ông Raúl Castro đã cất công chuẩn bị cho thời khắc lịch sử vô cùng quan trọng này. Ngay từ tháng 2-2013, ông đã thông báo rõ sẽ từ chức sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 vào năm 2018. 

"Chúng ta đã vượt qua một chặng đường dài để con cháu chúng ta, thế hệ hiện tại và trong tương lai sẽ được hạnh phúc" - ông Raúl đã nói như vậy tại một trong những bài phát biểu cuối cùng của ông trên cương vị chủ tịch nước vào tháng trước.


Đây là thời khắc vô cùng quan trọng với Cuba, bởi vào thời điểm ông Raúl chính thức lên nắm quyền thay anh trai năm 2008 (ông Raul nắm tạm quyền từ cuối tháng 7-2006), vẫn còn một người của dòng họ Castro tại nhiệm. 

Nhưng giờ đây, quyết định trao truyền trách nhiệm đã mang một ý nghĩa và tác động lớn lao hơn, đó là gây dựng một thế hệ các nhà lãnh đạo mới của đất nước sẽ không còn họ Castro.

Mặc dù không còn làm chủ tịch, nhưng ông Raúl vẫn sẽ tiếp tục giữ cương vị Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba cho tới kỳ đại hội tiếp theo năm 2021. 

Người dự kiến được trao trọng trách kế nhiệm ông Raúl cũng sẽ là ông Miguel Díaz-Canel, vốn đã là cánh tay phải của ông Raúl từ năm 2013 đến nay.

Nhiều người Cuba hi vọng ông Díaz-Canel sẽ tiếp tục ủng hộ những cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn những gì đã thực hiện dưới thời của hai lãnh đạo tiền nhiệm. 

Dù vậy kỳ vọng đó có thể không quá lớn, bởi với vai trò như một nhà tư tưởng của Đảng Cộng sản Cuba, ông Díaz-Canel là người đã luôn bày tỏ quan điểm ngờ vực về quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Sinh ra sau cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1960), với xuất thân từ một kỹ sư và từng là bộ trưởng giáo dục, ông Miguel Díaz-Canel đã kinh qua nhiều cấp bậc chức vụ trong đảng trước khi được bầu làm phó chủ tịch thứ nhất Cuba. 

Chủ tịch Raul Castro cùng Phó chủ tịch Miguel Díaz-Canel dự phiên họp Quốc hội ngày 18.4 tại thủ đô Havana. Ảnh: REUTERS

Nếu được bầu làm lãnh đạo mới, ông được cho là người sẽ kiến tạo sự đồng thuận trong chính phủ, song có lẽ không phải người quá nhiệt tình với những cải cách nhảy vọt.

Việc chuyển giao quyền lực cũng diễn ra ở một thời điểm quốc gia vùng Caribê đã bắt đầu gặt hái những thành quả từ chính sách mở cửa kéo dài một thập kỷ qua của ông Raúl. 

Mặc dù điều kiện truy cập mạng Internet vẫn còn ở mức trung bình nhưng các điểm kết nối mạng đã phổ biến hơn bao giờ hết.

Tại Cuba hiện đã có hơn 5 triệu điện thoại di động trên tổng số 11,5 triệu dân. Hơn 550.000 người Cuba đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. 

Người Cuba giờ đây cũng được tự do xuất ngoại và có quyền mua, bán bất động sản. Dù vậy kinh tế Cuba vẫn còn rất nhiều khó khăn, các nhu yếu phẩm như trứng, khoai tây, giấy vệ sinh vẫn thường xuyên chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Cuba chuyển giao thế hệ lãnh đạo cũng vào một thời điểm có nhiều thách thức khi quan hệ với Mỹ vừa ấm lại đôi chút dưới thời ông Obama đã lại rơi vào "băng giá" dưới thời ông Trump. 

Cho tới nay hai bên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm vụ việc liên quan tới "bệnh lạ" xảy ra với các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana. Washington cáo buộc Cuba tấn công phái đoàn ngoại giao của họ bằng vũ khí âm thanh nhưng phía Havava một mực bác bỏ.

Nền kinh tế tư nhân còn rất non trẻ ở Cuba cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nảy sinh từ quan hệ căng thẳng với Mỹ. 

Năm ngoái Cuba đã tạm ngừng cấp giấy phép thành lập mới với các doanh nghiệp tư nhân với lý do đã tới lúc cần siết lại quản lý để thế hệ doanh nhân mới trong nước vận hành đúng pháp luật và tuân thủ nghiêm trách nhiệm đóng thuế.

Bên cạnh đó, giới chức Cuba cũng lên án các chính sách khắc nghiệt của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm giảm mạnh lượng du khách Mỹ vốn từng ồ ạt đổ vào quốc đảo này dưới thời ông Obama.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuba ở thời khắc chuyển giao lịch sử