Cửa hàng thực phẩm sạch khó sống

30/05/2018 06:19

Thời gian gần đây, trong tỉnh liên tục xuất hiện thêm nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nhưng các cửa hàng này đang gặp không ít khó khăn.

Chưa có nhiều người tin tưởng mua rau sạch ở các cửa hàng thực phẩm an toàn

Chưa tin

Bước vào cửa hàng rau an toàn 688 trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương), một khách hàng hỏi giá bán dưa chuột. Sau khi biết giá bán 25.000 đồng/kg, chị này càu nhàu: “Dưa vừa xấu, vừa đắt gấp mấy lần ngoài chợ thì bán cho ma”, rồi bỏ đi. Chị Lê Thị Lan, nhân viên cửa hàng nông sản sạch 688 cho biết đó là chuyện thường ngày, chị thường xuyên gặp những vị khách có thái độ tương tự. Theo chị Lan, so với bán hàng ở chợ, các cửa hàng thực phẩm sạch phải bỏ ra nhiều chi phí hơn như tiền thuê mặt bằng, nhân công, thiết bị bảo quản, rau nhập từ những trang trại chuyên trồng rau sạch giá cao hơn so với mua của nông dân sản xuất theo quy trình thông thường. Vì vậy, giá thực phẩm tại các cửa hàng nông sản sạch bao giờ cũng cao hơn ở chợ. 

Chị Phạm Thị Hằng, một khách hàng thường xuyên của cửa hàng thực phẩm sạch ở 171 Nguyễn Thượng Mẫn (TPHải Dương) cho rằng ngoài lý do về giá cả thì hiện nay không ít người dùng còn hồ nghi về độ sạch của thực phẩm nên chưa mấy tin dùng. “Ở nơi tôi làm việc, có 8 người thì chỉ có 2 người tin vào chất lượng thực phẩm ở các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch. Còn lại 6 người cho rằng sản phẩm bày bán ở đó không khác ngoài chợ, thậm chí họ còn bảo tem chứng nhận rau an toàn có thể mua được”, chị Hằng kể.

Một khi rau sạch chưa chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng thì việc kinh doanh mặt hàng này còn gặp khó khăn. Không ít cửa hàng được mở ra nhưng sau một thời gian ngắn phải chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác vì thường xuyên ế ẩm. “Nông sản ế thì chỉ còn nước đổ đi chứ bán rẻ cũng không ai mua”, chị Lan, nhân viên cửa hàng thực phẩm an toàn 688 nói. 

Không chỉ khó tiếp cận người tiêu dùng, các cửa hàng rau sạch hiện nay còn thiếu vốn, thiếu liên kết đồng bộ giữa nhà sản xuất và người kinh doanh. Nguồn cung thực phẩm sạch tại Hải Dương hiện nay khá dồi dào do các doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực này ngày càng nhiều, nhưng một số cửa hàng vẫn phải nhập nông sản ở tận Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Mộc Châu (Sơn La) làm cho chi phí tăng. Hệ thống cửa hàng Vinmart+ với nguồn cung thực phẩm dồi dào, chuyên nghiệp đang là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.

Xóa điểm nghẽn

Giữa kinh doanh và sản xuất thực phẩm sạch hiện nay vẫn có sự lệch pha. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất luôn gặp khó về đầu ra và phải bán thực phẩm sạch với giá tương đương, thậm chí thấp hơn so với thực phẩm bán ngoài chợ do mẫu mã xấu thì ngược lại, các cửa hàng thực phẩm sạch lại phải nhập với giá cao hoặc hàng hóa không phong phú. 

Để giải quyết được điểm nghẽn này, cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa  nhà sản xuất và người kinh doanh, áp dụng mô hình liên kết từ trang trại đến bàn ăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã kiêm luôn từ khâu sản xuất đến kinh doanh thực phẩm sạch. Mô hình của Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD-Green là một ví dụ. Ngoài sản xuất, đơn vị này còn xây dựng chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, trực tiếp bán các sản phẩm do mình sản xuất. Thực phẩm ở đây có giá cạnh tranh do không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. Đồng thời, doanh nghiệp nắm bắt nhanh nhất những sản phẩm nào được khách hàng ưa chuộng, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để đổi mới sản phẩm; từ đó, chọn được loại nông sản canh tác phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng cần trang bị thêm thiết bị kiểm tra tại chỗ các chỉ tiêu đối với sản phẩm sạch. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nông sản được bày bán tại các cửa hàng cũng như nơi sản xuất để tạo sự tin cậy cho người dùng. 

Người bán thực phẩm sạch nên chủ động đổi mới, linh hoạt trong kinh doanh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng. Chị Phạm Thị Sen ở phố Bình Lộc (TP Hải Dương) cho rằng: “Ngoài rau, các cửa hàng có thể bán thêm các loại thịt, thực phẩm chế biến sẵn hoặc hoa quả. Bởi khách hàng rất ngại đến cửa hàng mua rau, sau đó lại phải mất thời gian sang một cửa hàng khác mua hoa quả hoặc thịt. Các cửa hàng cũng cần làm ăn chuyên nghiệp hơn như có website bán hàng hoặc thường xuyên giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội. Thậm chí, người mua có thể đặt hàng qua điện thoại và các cửa hàng chuyển đến tận nơi”.

Hiện nay, Hải Dương đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn nhưng hầu như chưa có các chương trình dành cho cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Những người kinh doanh thực phẩm sạch rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh để phát triển các cửa hàng. Khi hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch phát triển sẽ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản cho nông dân và người dân thì được ăn thực phẩm an toàn hơn. 

​HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cửa hàng thực phẩm sạch khó sống