Hơn 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, quá trình hội nhập WTO của tỉnh ta đã đạt được những kết quả thiết thực.
Sản xuất tự động linh kiện xe máy ở Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách). Ảnh: PV
Ra biển lớnGia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh ta. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2011 đạt 9,5%/năm. Riêng năm 2012, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, GDP của tỉnh chỉ tăng 5,3%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng tăng mạnh từ mức 2.407 tỷ đồng năm 2005 lên 5.200 tỷ đồng năm 2012. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng kinh tế giữa các ngành dần được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Từ khi trở thành thành viên của WTO, hàng hóa của Việt Nam nói chung và của tỉnh ta nói riêng có điều kiện thâm nhập vào các thị trường mới trong WTO. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta trong những năm qua tăng khá cao. Nếu như năm 2005, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mới đạt 112,5 triệu USD, thì đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 1 tỷ 647 triệu USD, tăng hơn 10 lần. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu ngày càng được cải thiện với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, dây và cáp điện, nông sản thực phẩm... Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Đến nay, hàng hóa của tỉnh đã có mặt ở trên hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu hàng hoá truyền thống như: ASEAN, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục được duy trì và giữ vững. Đồng thời, các doanh nghiệp trong tỉnh đang mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Phi, Nam Mỹ, châu Đại Dương... Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng với mọi loại hình doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế. Nếu như năm 2006 mới có trên 80 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, thì đến nay trên địa bàn Hải Dương đã có trên 230 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Do thủ tục hành chính được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, nên đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2007 - 2012, tỉnh ta đã thu hút được 152 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký trên 4,5 tỷ USD. Hiện tại, tỉnh ta đã thu hút 242 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 5,7 tỷ USD. Nét mới của các dự án FDI trong thời kỳ này là có nhiều dự án lớn với hàm lượng khoa học, kỹ thuật và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu vốn đầu tư cũng dần được thay đổi, đã có những dự án đầu tư vào các ngành dịch vụ như: khách sạn – nhà hàng, bảo hiểm, vận tải, y tế...
Từ sau khi gia nhập WTO, tỉnh ta từng bước xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng. Hết năm 2012, toàn tỉnh có 6.145 doanh nghiệp, trong đó có 1.768 công ty cổ phần, 3.188 công ty TNHH, 1.189 doanh nghiệp tư nhân với tổng vốn đăng ký trên 40 nghìn tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã xác lập được chỗ đứng trên thị trường khu vực và thế giới. Nhiều loại hình dịch vụ được mở, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Khối các doanh nghiệp FDI cũng ngày càng lớn mạnh, đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kinh tế tăng trưởng nhanh góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần. An sinh xã hội được bảo đảm. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, nhất là ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16% năm 2006 xuống còn 7,74% năm 2012. Cũng trong thời gian này, mỗi năm, tỉnh ta đã tạo thêm việc làm mới cho trên 30 nghìn lao động, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Thách thức
Gia nhập WTO vừa đem lại những cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đem lại những thách thức. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thấp và chưa ổn định. Phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn hẹp, trình độ khoa học, kỹ thuật và trình độ quản lý còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực tuy đã có sự phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp còn thiếu, kinh nghiệm quản lý hoạt động doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập sâu chưa nhiều. Phần lớn số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu làm gia công, nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu là chính. Các doanh nghiệp trong tỉnh chưa chú trọng thỏa đáng cho công tác truyền thông và xúc tiến thương mại. Quá trình phát triển nhanh của kinh tế, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra sức ép không nhỏ đối với môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường (nguồn nước, không khí, khói bụi, tiếng ồn, rác thải, nước thải...) diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chậm được xử lý dứt điểm. Từ năm 2005 đến tháng 10 - 2012, đã có 173 cơ sở bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường; trong hai năm 2011 và 2012 đã xảy ra 101 vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó 61 cơ sở đã bị các cơ quan chức năng xử phạt.
Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tiến độ thực hiện một số công trình lớn còn chậm và kéo dài. Nhu cầu đầu tư ở tất cả các lĩnh vực rất lớn trong khi nguồn vốn đầu tư lại có hạn. Chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh chưa đáp ứng được tiến trình hội nhập, đòi hỏi cần có sự đổi mới trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để theo kịp quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay.
VỊ THỦY