Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh rồi nhận được học bổng tiến sĩ tại Hàn Quốc, sau 12 năm làm việc ở Mỹ, Canada, Singapore…, TS Trương Văn Tiến quyết định về nước.
Từ thế hệ thứ 3 "bách khoa"
Trương Văn Tiến từng là cựu sinh viên ngành kỹ thuật hàng không, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Tiến là thế hệ thứ 3 “bách khoa” của gia đình khi ông nội và ba ruột của Tiến đều từng là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2008, Trương Văn Tiến nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần ngành kỹ thuật hàng không và thông tin của ĐH KonKuk, Hàn Quốc.
Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở đây, Trương Văn Tiến đã hoàn thành dự án Brain Machine Interface do Bộ Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc đồng tài trợ nhằm tạo ra các thiết bị nhỏ cấy vào não bộ của con bọ để điều khiển như robot.
Trương Văn Tiến kể để làm dự án, anh mày mò kết nối với các giáo sư ở Mỹ đồng thời trực tiếp bay qua Mỹ để làm nghiên cứu. Theo kế hoạch, anh sẽ có 1 năm làm việc tại Washington State University và University of Montana để thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Nhưng ở Mỹ, Trương Văn Tiến chỉ mất 4 tháng và hoàn thành công việc trong sự ngạc nhiên của các giáo sư. Dự án thành công và Tiến nhận được giải thưởng báo cáo khoa học ở một số hội nghị quốc tế.
Tiến sĩ Trương Văn Tiến, thế hệ thứ 3 "bách khoa" trong gia đình (Ảnh:NVCC)
Khó khăn ập đến khi năm 2011, giáo sư hướng dẫn của Tiến đột ngột chuyển công tác. Biết tin này, các giáo sư ở 3 ĐH Mỹ gồm Drexel University, Washington State University và Brown University đồng ý cấp học bổng để Tiến qua Mỹ làm tiếp tiến sĩ. Tuy nhiên, anh Tiến từ chối đề nghị và quyết định ở lại Hàn Quốc hoàn thành chương trình dưới sự hướng dẫn của giáo sư tại Hàn Quốc và một giáo sư bên Mỹ.
“Cơ hội mới mở ra nhưng tôi tiếp tục ở lại Hàn vì vị giáo sư từng hướng dẫn tôi là một người tốt. Ông có hoài bão lớn khi startup từ trong Lab nhưng sau 10 năm đã đưa công ty nằm trong top 100 startup ở Hàn Quốc và chuẩn bị lên sàn chứng khoán của quốc gia này. Chính hoài bão của ông là động lực để tôi hoàn thành chương trình”- anh Tiến kể.
Tốt nghiệp tiến sĩ ở Hàn Quốc năm 2013, anh Tiến nhận được lời đề nghị hợp tác làm việc ở Pháp và Singapore. Trương Văn Tiến đã chọn ĐH Quốc gia Singapore (NUS), trường ĐH nằm trong top 20 thế giới theo bảng xếp hạng QS làm điểm đến làm việc. Từ đây, những nghiên cứu của tiến sĩ Tiến tại Viện Temasek thuộc ĐH Quốc gia Singapore phục vụ cho các dụ án quốc phòng của nước này.
Bốn năm sau, Trương Văn Tiến tiếp tục nhận lời đề nghị hợp tác nghiên cứu của 2 giáo sư đầu ngành của ĐH Queen, một trường đại học danh tiếng của Canada.
“Tôi quyết định chuyển đến Queen để thực hiện các dự án có các công bố trên các tạp chí lừng danh về ứng dụng các kỹ thuật laser vào nghiên cứu y học, và tôi sẽ được hậu thuẫn để thành giáo sư ở trường. Một lý do nữa, ngôi trường này từng là lựa chọn của tỉ phú công nghệ Elon Musk và nơi giáo sư Arthur B. McDonald - người đoạt giải Nobel vật lý cho những khám ra hạt Neutrino lựa chọn” -TS Tiến bật mí.
Đến Canada vào tháng 12, lúc mùa đông tuyết bao phủ trắng xóa, trùng kỳ nghỉ nên đường phố, trường học vắng tanh, điều khiến TS Tiến nhớ nhất là được một người em cùng quê Việt Nam học tiến sĩ ở Queen tận tình giúp đỡ.
“Vì sự giúp đỡ này tôi nhận ra “Good thing happens to good people” sẽ là phương châm sống. Hãy làm người tốt trước thì điều tốt sẽ tới với bạn”- TS Trương Văn Tiến chia sẻ.
Sau một thời gian ở Canada, anh Tiến tiếp tục nhận được lời đề nghị hợp tác từ Viện Năng lượng gió lớn nhất thế giới- DTU Wind Energy, thuộc ĐH Kỹ thuật Đan Mạch - một trong các trường đại học hàng đầu ở châu Âu sau 4 vòng phỏng vấn cân não với các hội đồng giáo sư. Từng 10 năm nghiên cứu ở nhiều trường ĐH nổi tiếng, nhiều nước phát triển, anh Tiến nhận định lời mời tới Đan Mạch là đề nghị đáng giá nhất trong sự nghiệp của mình.
"Không có gì tuyệt vời hơn ở quê hương mình"
Đan Mạch luôn nằm trong danh sách các quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới. Cùng với lời đề nghị hợp tác nghiên cứu, tiến sĩ Trương Văn Tiến nhận được có các chế độ tốt nhất cho gia đình mà theo anh là thậm chí tốt hơn ở Mỹ, Canada… thế nhưng, lúc này anh lại muốn về Việt Nam.
Sau nhiều đắn đo, năm 2018, TS Trương Văn Tiến quyết định về Singapore công tác để làm bước chuyển tiếp về nước với vị trí chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Thiết kế quốc tế SUTD-MIT - trung tâm được thành lập với sự hợp tác của ĐH Thiết kế và Công nghệ Singapore và Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ). Ở Singapore, mỗi tháng anh có thể bay về Việt Nam vài lần. Cũng chính từ những chuyến đi này, định hướng con đường sự nghiệp của TS Tiến dần thay đổi, chuyển hướng vào các dự án ứng dụng cho công nghiệp sản xuất.
Dù được mời làm việc ở nhiều nước nhưng TS Tiến quyết định về nước (Ảnh: NVCC)
Một công trình nghiên cứu vào năm 2020 về công nghệ thiết kế in 3D của TS Trương Văn Tiến cùng cộng sự đã đoạt giải thưởng đặc biệt “Inovation prize 2021’’ cho công nghệ chế tạo robot mềm bằng in 3D do hội đồng Purmundus -giải thưởng lớn nhất thế giới về công nghệ thiết kế in 3D và 4D ở Đức trao tặng. Anh Tiến và cộng sự đã ghiên cứu ra phương pháp chế tạo robot mềm bằng in 3D, được đăng trên tạp chí hàng đầu về vật liệu tiên tiến Advanced Material Technologies số tháng 8 năm 2021.
Bài báo của tiến sĩ Tiến được chọn làm trang bìa, là công trình tiêu biểu của số xuất bản trong tháng. Kết quả bài báo được các hãng trang công nghệ hàng đầu thế giới đưa tin như Techxplore, Eureka, Azorobotics vì tính đột phá trong công nghệ sản xuất. Đặc biệt, được trang tin EurekAlerk của Hiệp hội Khoa học Mỹ (AAAS) đăng tải.
Công nghệ in 3D là công nghệ sản xuất bồi đắp, là một trong trong nghành công nghệ 4.0, mũi nhọn trong sản xuất. Đặc tính vật liệu và cấu trúc tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hiệu suất của các thiết bị chức năng in 3D cũng như sản phẩm. Nhưng các phương pháp thiết kế chế tạo bằng phương pháp thông thường hạn chế ở độ phức tạp và chức năng và cản trở hiệu suất của các thiết bị và sản phẩm.
Nhóm của tiến sĩ Tiến tạo ra một hệ thống hóa cho phép chế tạo trực tiếp vật liệu composite mềm hoàn toàn mới. Phương pháp thiết kế, tính toán tối ưu hóa cho phép tối ưu hóa sự phân bố các đặc tính vật liệu để mang lại những ứng dụng mong muốn ở độ phức tạp cao. Robot mềm ngày càng được ứng dụng rộng rãi như trong y học, sản xuất thực phẩm, quân sự, là một trong những công nghệ mũi nhọn của tương lai.
Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây của TS Tiến tập trung vào vật liệu tiên tiến, robotics, công nghệ sản xuất bồi đắp, robot mềm, ứng dụng AI. Các nghiên cứu của TS Tiến ưu tiên vào ứng dụng công nghiệp, được công bố trên chí hàng đầu như Material Horizons, Advanced Material Technologies, Structural and Multidisciplinary Optimization.
Mới đây, những nghiên cứu dùng công nghệ AI tạo ra vật liệu tiên tiến, làm thành các sensor dùng cho robot mềm, trên sự hợp tác của đại học quốc gia Singapore và TS tiến đã được tạp chí lừng thế giới Nature Machine Intelligence -tạp chí số một về trí tuệ nhân tạo AI chấp nhận đăng tải sau khi trải qua nhiều vòng bình duyệt gắt gao gần 1 năm.
TS Trương Văn Tiến cho hay hiện nay, nhà khoa học cần nghiên cứu đa ngành, người có nền tảng khoa học tốt và đông lực lớn có thể làm được nhiều cái.
“Một nghiên cứu sinh tiến sĩ bên Singapore lúc vào học ngành hóa học và chuyên trộn hóa chất nhưng vẫn tốt nghiệp tiến sĩ về robot và AI. Tôi chuyển hướng vì công nghệ in 3D là công nghệ sản xuất tiên tiến, cũng là một trong những mũi nhọn công nghiệp 4.0 được chính phủ Singapore cũng như các nước phát triển đầu tư rất mạnh”- anh Tiến nói.
Cuối năm 2020, khi sự nghiệp đang ở giai đoạn chín muồi, TS Tiến quyết định trở về Việt Nam. Theo anh Tiến, anh trở về sau một cuộc nói chuyện với người anh có tâm huyết đồng thời là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản xuất optics của Việt Nam.
“Người anh này nói với tôi rằng chỉ cần tâm huyết thì mọi thứ trí tuệ Việt đều làm được. Chính câu nói này thôi thúc tôi về Việt Nam sớm hơn”- anh Tiến kể. Anh chọn optics cũng vì trong quá trình làm tiến sĩ, anh sử dụng các thiết bị laser và optics để nghiên cứu các hiện tượng vật lý, và năm 2015, anh cũng nhận được một fellowship danh giá để phát triển các thiết bị optics để được làm việc với giáo sư vật lý nổi tiếng tại trường đại học Gothenburg Thụy Điển, nhưng lúc có nhiều lý do riêng nên không đi Thụy Điển được.
Hơn 12 năm ở nước ngoài, đi qua hơn 20 quốc gia, hơn 50 thành phố, tham gia nhiều dự án và báo cáo khoa học ở các hội nghị quốc tế, nhưng với TS Trương Văn Tiến, không có gì tuyệt vời khi sống ở trên quê hương mình.
“Tôi có thể định cư dễ dàng và có con đường khoa học thăng hoa ở Mỹ, Canada, có nơi làm làm việc số 1 thế giới ở Đan Mạch, Thụy điển, Singapore hay Hàn Quốc…nhưng đó không phải là quê hương của tôi”- anh Tiến nói.
Theo Vietnamnet