CPTPP và cơ hội cho nông sản Việt

02/04/2019 09:42

Xuất khẩu nông sản là một thế mạnh của Việt Nam. Việc CPTPP có hiệu lực được cho là sẽ mở ra những cơ hội mới giúp lĩnh vực này tiến thêm một bước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


Khi CPCPP có hiệu lực, sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình, đưa mức thuế nhập khẩu hàng nông sản chế biến hầu hết xuống 0-5%

Tuy vậy, cơ hội luôn đan xen với thách thức nhất là khi năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước thành viên. 

Mở ra nhiều cơ hội

Là một nước nông nghiệp, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cả sản xuất lẫn xuất khẩu nông sản. Đặc biệt, ở lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong số các cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới với kim ngạch năm 2018 đạt kỷ lục - vượt 40 tỷ USD. Nhiều loại nông sản Việt Nam được xếp trong top 10 trên thế giới, như hạt tiêu và hạt điều đứng thứ nhất; gạo và cà phê đứng thứ 2… Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2019 là 42-43 tỷ USD.

Việc CPTPP có hiệu lực vào đầu năm 2019 đã mở ra những kỳ vọng lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.


Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tham gia Hiệp định CPTPP, có thể nhìn thấy ngay những cơ hội là mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể.

Cụ thể, 11 nước CPTPP - một thị trường lớn chiếm trên 10% GDP toàn cầu - sẽ là thị trường tiêu thụ cho nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam. Theo nội dung cam kết của CPTPP, những mặt hàng nông sản như hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế nhập khẩu 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP... Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản trong nước như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi cũng có nhiều cơ hội hơn trong thâm nhập thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, trước khi CPTPP có hiệu lực, các nước nhập khẩu coi sản phẩm nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều… là nguyên liệu nên họ bảo hộ khâu chế biến, khâu giá trị gia tăng cao và đánh thuế cao cho những nông sản chế biến nhập khẩu vào nước họ. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chọn cách xuất thô để giảm thuế. Một phần cũng vì công nghiệp chế biến trong nước còn hạn chế.

Tuy nhiên, khi CPCPP có hiệu lực, sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình, đưa mức thuế nhập khẩu hàng nông sản chế biến hầu hết xuống 0-5%. Qua đó mở cửa thị trường cho hàng nông sản chế biến của Việt Nam. Đồng thời, tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Từ đó, nông sản Việt Nam có cơ hội tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong xu hướng chung đó, thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt xuất khẩu, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị, hay các nhà máy chế biến rau củ quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã xuất diện nhiều hơn như Nhà máy chế biến rau quả (vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng) do Công ty cổ phần Lavifood đầu tư…

Ngoài ra, với CPTPP, nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đón các dòng vốn đầu tư mới từ các thị trường trước nay ít, thậm chí chưa có đầu tư tại Việt Nam…

Khắc phục khó khăn, thách thức

Cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thách thức của Việt Nam chính là sự hạn chế về năng lực cạnh tranh. Trước hết là do nền nông nghiệp nước ta dựa trên số lượng nông hộ với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phân tán. Trong khi đó, yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay là phải theo quy mô và tỉ suất, theo tiêu chí của từng thị trường.

Thêm vào đó, khoa học công nghiệp trong nông nghiệp chưa có chuyển biến rõ rệt, chưa phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, ngay khâu đầu tiên trong hoạt động sản xuất của ngành là giống cây trồng vật nuôi, cũng chưa có nhiều loại đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, con số thất thoát sau thu hoạch vẫn duy trì mức 12% trong nhiều năm qua mà chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, khâu chế biến vẫn là yếu điểm của ngành từ hạn chế trong hạ tầng kho bãi, số lượng các sản phẩm giá trị gia tăng thấp đến tỉ trọng nông sản Việt tại các thị trường khó tính…

Ngoài ra, các chính sách thu hút đầu tư vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi nên số doanh nghiệp nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp chưa nhiều, doanh nghiệp FDI mới chiếm khoảng 1%. Bên cạnh đó, tín dụng cho nông nghiệp cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả...

Theo các nhà chuyên môn, để tận dụng được cơ hội CPTPP đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng hóa của mình thâm nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong khối CPTPP. Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đầu tư vào khâu chế biến; chủ động tìm hiểu các yêu cầu về chất lượng, quy định thị trường; phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, đảm bảo hoạt động xúc tiến thương mại sát thực, khả thi, hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, bao gồm: quy trình kỹ thuật, cách quản lý, các tiếp cận, quảng bá, marketing…

Đối với từng mặt hàng cụ thể, theo ông Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO và AEC, để tận dụng cơ hội, đối với những mặt hàng nông sản đã có số lượng lớn như: gạo, cà phê, hồ tiêu và hạt điều, cần tập trung vào đầu tư chế biến nâng cao giá trị gia tăng, giảm dần xuất khẩu thô. Theo tính toán của các doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê rang xay giá trị gấp đôi so với xuất khẩu cà phê nhân; xuất khẩu cà phê hòa tan 3 trong 1 giá trị có thể gấp ba; hạt điều chế biến giá trị cũng gấp đôi… Mặt hàng rau, hoa quả nhiệt đới và cận nhiệt đới là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác nhau trong CPTPP, cần tập trung vùng chuyên trồng các loại cây hoa, quả, rau quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn từ đồng ruộng đến bàn ăn với sản lượng lớn - mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Những mặt hàng đang có lợi thế như: thanh long, chanh leo, vải thiều, hoa Đà Lạt cần tăng nhanh sản lượng. Những mặt hàng có lợi thế đất đai, khí hậu, các nước CPTPP có nhu cầu cần nghiên cứu toàn diện tất cả các khâu từ giống, công nghệ, vận tải, bảo quản bao bì đóng gói, giá thành cạnh tranh để có chiến lược phát triển lâu dài.

Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một số giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu lâm thủy sản như: cải cách thể chế; triển khai thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia… 

MINH DUYÊN (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    CPTPP và cơ hội cho nông sản Việt