Tham gia CPTPP sẽ tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu ra thị trường các nước.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Chính thức có hiệu lực từ 1.1.2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ được ví như một chất xúc tác mạnh cho quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế và pháp luật, tháo gỡ các rào cản để hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, mà còn tác động không nhỏ trong đổi mới tư duy quản lý, kiểm soát kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.
Những cơ hội và thách thức khi bước vào "sân chơi" CPTPP đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc đã được ông Phí Văn Dực, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng (VCCI - Hải Phòng) chia sẻ với phóng viên.
- Thưa ông, khi Việt Nam tham gia CPTPP, cơ hội là rất lớn nhưng thách thức còn lớn hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Với tư cách là Giám đốc VCCI - Hải Phòng, xin ông cho biết đâu là cơ hội, đâu là thách thức đối với doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc?
Ông Phí Văn Dực: Ngày 12.11.2018, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam bước ra một thị trường rộng lớn chiếm 13,5% GDP toàn cầu, với tổng dân số 500 triệu người thuộc các nước thành viên CPTPP, trong một môi trường thương mại đầu tư cởi mở với những cam kết cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại...
Tham gia CPTPP sẽ tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu ra thị trường các nước phát triển và các nước trong khu vực dệt may, da giầy và thủy sản, là điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, Hiệp định CPTPP đòi hỏi tiêu chuẩn cao và khắt khe đối với tất cả các quốc gia tham gia, đối với Việt Nam là một thách thức không hề nhỏ. Một số doanh nghiệp không thích ứng được tất yếu sẽ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí có thể bị phá sản, một bộ phận công nhân sẽ mất việc làm. Các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để tìm hiểu các quy định quốc tế, phải cố đáp ứng khả năng về ngoại ngữ (tiếng Anh) để làm việc chủ động. Hơn nữa, sẽ xuất hiện thêm rất nhiều đối thủ cạnh tranh, gia tăng sức ép với các doanh nghiệp Việt Nam.
CPTPP hướng tới một sân chơi bình đẳng nên ban đầu có nhiều bất lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi không có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước phát triển... Đó là những thách thức mà doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc phải nỗ lực phấn đấu vượt qua để sớm hội nhập CPTPP.
- Theo ông, tại khu vực Duyên hải phía Bắc, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào được coi là thế mạnh và được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP?
Ông Phí Văn Dực: Cả nước hiện có trên 600.000 doanh nghiệp, trong đó riêng khu vực Duyên hải phía Bắc đã có 8.168 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 54.997 tỷ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Việt Nam có thứ hạng thấp nhất về quản trị doanh nghiệp trong số 6 nước được xếp hạng trong khu vực ASEAN.
Sản xuất tất xuất khẩu tại Công ty TNHH Jasan Việt Nam, vốn đầu tư của Trung Quốc, tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Theo thống kê, mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 46% ở các nước ASEAN. Vì vậy, nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp là một hướng đi cấp thiết của doanh nghiệp lúc này.
Tham gia Hiệp định CPTPP, chúng ta có cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu. Dòng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu lưu chuyển qua các cửa khẩu, cảng biển cũng sẽ tăng nhanh.
Với lợi thế về vị trí địa-kinh tế trong khu vực Duyên hải phía Bắc, có kế hoạch chuẩn bị chủ động, chắc chắn số lượng các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trong các lĩnh vực: dịch vụ cảng biển, logistics, may mặc, du lịch và sản xuất các sản phẩm điện và điện tử sẽ đạt được kết quả tốt đẹp sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
- Với nhiệm vụ là người đại diện và là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, VCCI - Hải Phòng đã có những động thái gì cũng như doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc cần phải làm gì khi CPTPP chính thức có hiệu lực, thưa ông?
Ông Phí Văn Dực: CPTPP là hiệp định thương mại tự do mang tính toàn diện với tiêu chuẩn cao. Hiệp định đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp cần có sự đổi mới ngay từ các khâu xây dựng chính sách, văn bản pháp luật, các chương trình chiến lược phát triển đồng bộ cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp định CPTPP và đòi hỏi cao trong thời đại công nghiệp 4.0.
Với chức năng, nhiệm vụ là người đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, VCCI - Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, các Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến, tuyên truyền, tìm hiểu sâu về nội dung, thuận lợi, thách thức của Hiệp định CPTPP.
Do đó, VCCI - Hải Phòng tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn doanh nghiệp nhằm nâng cao nghiệp vụ, năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao những kỹ năng cần thiết trong quá trình hội nhập cho đội ngũ lãnh đạo và nguồn nhân sự của doanh nghiệp; phối hợp tổ chức tiếp xúc giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp để giải quyết các kiến nghị, vướng mắc kịp thời, góp ý tham gia vào quá trình rà soát và điều chỉnh pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thực thi cam kết CPTPP.
Ngoài ra, VCCI - Hải Phòng còn đẩy mạnh và đa dạng hóa các cuộc xúc tiến thương mại đầu tư, giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chia sẻ các kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm tham gia hội nhập, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…
Về phía các doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc, cần phải linh hoạt chủ động đổi mới nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hình thành các chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất, phân phối đến khâu tiêu dùng và xuất khẩu.
Hơn nữa, doanh nghiệp phải hiểu thị trường xuất khẩu từ khung pháp lý, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng và nhất là luôn luôn làm mới sản phẩm; phải đào tạo nguồn nhân lực tiếp thu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chuyên môn đủ điều kiện làm việc, đàm phán trực tiếp với đối tác; tập trung xây dựng thương hiệu để chủ động nâng cao sức cạnh tranh.
Và điều quan trọng nữa, doanh nghiệp phải từ bỏ lối kinh doanh cũ, xây dựng phương pháp kinh doanh hiệu quả, chất lượng, thương hiệu, uy tín, hướng đến phục vụ người tiêu dùng thông minh một cách hiệu quả nhất.
Làm tốt những việc trên, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc sẽ vững vàng tham gia vào CPTPP và nâng cao dần vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN MINH HUỆ (TTXVN)