Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8 đồng thời tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, CPI tháng này đã tăng 3,14% so với tháng 12 năm ngoái, kéo theo CPI bình quân chín tháng của năm so với cùng kỳ tăng 2,07%. Thông tin trên được công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 24-9.
Các nhóm hàng đồng loạt tăng giá
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng này, trên thị trường có đến 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá, cụ thể nhóm giáo dục tăng mạnh nhất 7,19% và thuốc và dịch vụ y tế tăng thấp nhất 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Theo đó, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 đã tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ. Kéo theo, CPI cơ bản trong 9 tháng so với cùng kỳ tăng 1,81%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, nguyên nhân tác động đến mức tăng CPI tháng này phải kể đến việc giá dịch vụ giáo dục tăng đồng loạt tại 53 tỉnh, thành phố ( theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015) đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước đó đồng thời đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI.
Thêm vào đó, thời tiết trong tháng có mưa nhiều nên giá rau tươi tại các chợ tăng mạnh từ 10% - 15%, bởi nguồn cung hạn chế đã đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước.
Ngoài ra, giá xăng, dầu có hai đợt điều chỉnh (19-8 và 5-9, cụ thể giá xăng tăng 1.380 đồng/lít, dầu diezen tăng 720 đồng/lít, khiến chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI. Ngoài ra, giá gas điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg (từ ngày 1/9) do giá gas nhập khẩu trong tháng tăng 20USD/tấn chốt giá ở mức 307,5 USD/tấn, đã làm cho chỉ số giá gas tăng 0,31% so với tháng trước.
Một yếu tố khác, tháng 9 học sinh cả nước bước vào kỳ khai giảng năm học 2016 – 2017 nên nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón và giầy dép tăng làm cho chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14% so với tháng trước.
Giá vàng và tỷ giá trái chiều
Báo cáo tháng này cũng chỉ ra, chỉ số giá vàng có mức giảm 0,36% so với tháng trước đó. Theo bà Ngọc, sau đợt giá vàng tăng mạnh trong tháng Bảy và Tám (vì sự kiện Brexit của nước Anh), giá vàng trong nước tại tháng 9 đã giảm trở lại cùng với diễn biến của giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng dao động quanh mức 3,6 triệu đồng- 3,62 triệu đồng/chỉ vàng SJC và giảm 0,34% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, chỉ số giá USD có tăng nhẹ 0,07%. Phân tích vấn đề này, bà Ngọc cho rằng, diễn biến tỷ giá trong nước khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ cho nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm, do đó tỷ giá tháng này gần như ổn định, xoay quanh 22.330 VND/USD.
Kinh tế vĩ mô ổn định
Nhìn chung bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, cụ thể như giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, bà Ngọc đánh giá, “mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau, lạm phát cơ bản từ tháng Một đến tháng Chín năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.”
Song mặt khác, việc CPI 9 tháng tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2015 nên tính bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,34%. Theo bà Ngọc, từ nay đến hết năm vẫn có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm...
“Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI,” bà Ngọc đề xuất.