COVID-19 khiến doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?

25/07/2021 14:24

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiêp lao đao, nhiều người đặt câu hỏi về lợi nhuận “khủng” của hệ thống ngân hàng đạt được nhờ những yếu tố nào?


Nhờ ngân hàng số, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản giúp ngân hàng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: “Con số lợi nhuận tính đến thời điểm này chưa phải là con số cuối cùng. Đến cuối năm quyết toán, sau khi được kiểm toán xác định đầy đủ, con số lợi nhuận của các ngân hàng mới phản ánh đầy đủ”.

Có ý kiến cho rằng: Lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định của pháp luật. Nếu khách hàng không trả được nợ, ngân hàng phải hối thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.

Vào những ngày cuối tháng 7.2021, nhiều ngân hàng như: VietinBank, Vietcombank, Kienlongbank, LienVietPostBank, Techcombank, ABBank, VPBank, VIB… đều công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, thậm chí có ngân hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lợi nhuận của Vietcombank đạt hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 58% kế hoạch năm. Với đà kinh doanh này, mục tiêu lợi nhuận 25.000 tỷ đồng cả năm có thể đạt được. Tuy nhiên theo Vietcombank, lợi nhuận những tháng cuối năm còn phụ thuộc vào các đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trước sự tác động của COVID-19 cũng tình hình đại dịch. 

Mặc dù tăng trưởng cho vay tăng chưa đầy 3% nhưng thu nhập lãi thuần của Kienlongbank lại tăng 123% trong 6 tháng đầu năm, cùng với mức tăng ba chữ số của lãi thuần từ dịch vụ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng tăng vọt. Cụ thể: Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 805,70 tỷ đồng, tăng 409,26 % so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 80,57% kế hoạch năm. 

Theo Kienlongbank, tăng trưởng mạnh đến từ thu nhập từ lãi và mảng dịch vụ là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả khả quan. Cụ thể: Thu nhập lãi thuần tăng 123% mang về 1.227 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 270% đạt gần 132 tỷ đồng. Ngoại trừ lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối giảm 43,7% các mảng hoạt động còn lại đều ghi nhận thu nhập tăng trong kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 21% cũng là một trong những yếu tố góp phần tăng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng.

Nhờ tăng mạnh thu nhập từ lãi, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt hơn 2.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ 3 mảng kinh doanh chính là thu từ lãi, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối.

Trong đó, đáng kể nhất là thu nhập lãi thuần. Cùng với đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 86% mang về hơn 390 tỷ đồng, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước với 113 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng Techcombank cho biết: Thu nhập từ lãi là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng 6 tháng đầu năm ổn định. Lợi nhuận trước thuế đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng tăng 11,2% so với đầu năm đạt 353.700 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 16%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Techcombank cũng tăng trưởng 31,5%, đạt 2.800 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), lợi nhuận ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ. “Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nâng cao được năng lực quản trị, tài chính thông qua tăng vốn điều lệ, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro quốc tế Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản 2). Nhiều ngân hàng trong nhiều năm không chi trả cổ tức cho cổ đông để dành nguồn lực vốn cho tương lai”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Việc các TCTD đẩy mạnh tiết giảm chi phí hoạt động nhờ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Nhờ ngân hàng số, thanh toán điện tử, lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp các TCTD gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.

Theo VNBA, khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỷ lệ thu từ dịch vụ tại các TCTD đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận. Điều này phù hợp với xu thế quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tại các TCTD đang mang lại hiệu quả cao. Tính đến nay, 21 TCTD đã mua lại các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hoạt động trích lập dự phòng rủi ro cũng được tăng cường.

“Các TCTD đã tích cực mở rộng hoạt động dịch vụ như: Ngân hàng đại lý, bảo hiểm và nhiều hoạt động khác giúp tăng thu nhập từ các hoạt động này”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Nên nhìn nhận ngân hàng hoạt động tốt là điểm tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế mà khủng hoảng xảy ra, nhưng ổn định vĩ mô và sức khỏe ngành tài chính ngân hàng vẫn được giữ vững. Các tổ chức tài chính cũng đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

"Những lần trước yếu kém đến từ nội bộ ngân hàng dẫn đến khủng hoảng hay do tác động của nước ngoài, ảnh hưởng của kinh tế dẫn đến đổ vỡ ngành tài chính, bất ổn vĩ mô trong nước. Nhưng hiện, ngành tài chính vẫn đứng vững", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Đánh giá về mức tăng lợi nhuận của các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập cho biết: “Lợi nhuận tăng mạnh đến từ 2 nguyên nhân: Thứ nhất, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, lên tới 5,47%, trong khi huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Chi phí hoạt động của các ngân hàng năm nay tương đối thấp do dự phòng nợ xấu theo quy định của NHNN vẫn cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ của một số khách hàng nợ trả chậm. Từ đó dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế trên sổ sách”.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giữa dự phòng thực tế và dự phòng trên sổ sách được NHNN cho phép các ngân hàng hạch toán theo lộ trình 3 năm, nghĩa là đến cuối năm 2021, hạch toán 30% của chênh lệch này, sang năm hạch toán 70% và đến năm thứ 3 hạch toán 100%. Có nghĩa các ngân hàng không phải hạch toán chi phí dự phòng rủi ro đúng theo thực tế, mà theo hướng dẫn theo thông tư ban hành đầu năm của NHNN là được hoãn lại.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    COVID-19 khiến doanh nghiệp lao đao, lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?