Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương tiền thân là Sở Quản lý và Phân phối điện Hải Hưng, được thành lập ngày 8.4.1969.
Hệ thống điện được đầu tư, sửa chữa thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng điện
Năm 1997, cùng với việc tỉnh Hải Dương được tái lập, Điện lực Hải Hưng được chia tách thành Điện lực Hải Dương và Điện lực Hưng Yên. 20 năm qua, Điện lực Hải Dương đã có những bước phát triển bền vững, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Năm 1997, sau khi tái lập, quy mô lưới điện tỉnh Hải Dương rất nhỏ. Toàn tỉnh chỉ có 2 trạm biến áp (TBA) 110 kV: Đồng Niên (TP Hải Dương) với dung lượng 50MVA và Công ty Xi măng Hoàng Thạch có dung lượng 32MVA; 7TBA trung gian, 973 TBA phụ tải và gần 1.318 km đường dây các loại. Sản lượng điện thương phẩm đạt hơn 410triệu kWh/năm. Do lưới điện đầu tư chắp vá, tiết diện dây nhỏ, còn nhiều dây trần, bán kính cấp điện xa nên tỷ lệ tổn thất điện bình quân lên đến 12,15%. Thời điểm này, nhiều khu vực nông thôn vẫn chưa có điện, điện phục vụ sản xuất, kinh doanh còn thiếu, có thời điểm phải cắt điện luân phiên. Trước thực trạng đó, ngành điện xác định để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân thì điện phải đi trước một bước. Điện lực Hải Dương đã tập trung rà soát lại nhu cầu sử dụng điện của từng khu vực, nhóm khách hàng, đưa ra những dự báo về nhu cầu sử dụng điện để tiến hành đầu tư, xây dựng hạ tầng cho phù hợp.
Năm 2005, Điện lực Hải Dương được chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (gọi tắt là Điện lực Hải Dương). Đây là một bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển của Điện lực Hải Dương trên chặng đường mới. Đến năm 2008, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đặc biệt từ năm2010, khi Hải Dương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), ngành điện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp, xây dựng đường dây và TBA chống quá tải, thay thế hòm hộp công tơ và công tơ cho các xã đã tiếp nhận. Cùng với nâng cao chất lượng điện khu vực dân sinh, ngành điện tập trung cải thiện chất lượng điện trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Gần đây nhất, đơn vị đầu tư gần 30 tỷ đồng để cải tạo lưới điện trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng), góp phần nâng cao chất lượng điện phục vụ các doanh nghiệp.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, tỷ lệ tổn thất điện năng của ngành điện giảm đáng kể
Từ quy mô nhỏ bé ban đầu, đến nay, Điện lực Hải Dương đang quản lý 11TBA 110 kV với tổng dung lượng trên 1.000MVA (chưa kể 4 trạm của khách hàng). Toàn tỉnh có hơn 1.000km đường dây 35 kV, 22 kV và trên 4.500TBA chống quá tải. Ngành điện đã tiếp nhận lưới điện của 191 xã, với gần 3.000km đường dây hạ áp, 345.652 công tơ 1pha và gần 9.000 công tơ 3pha để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Tất cả các xã trong tỉnh đều đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện. Tỷ lệ tổn thất của Điện lực Hải Dương hiện chỉ ở mức 4,08%. Công suất của hệ thống điện tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Nếu sản lượng điện thương phẩm năm2005 mới đạt 973 triệukWh thì năm2017 tăng lên 4 tỷ 700triệukWh. Thời gian ngừng cấp điện năm 2017 đã giảm gần 4 lần so với năm 2013.
Không chỉ tập trung xây dựng, hoàn thiện lưới điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện còn tích cực áp dụng công nghệ mới, nâng cao tính thẩm mỹ cho hệ thống lưới điện. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành lắp đặt hệ thống đo xa qua mạng 3G/GPRS, đo xa bằng công nghệ RF cho các TBA, ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán tiền điện. Đơn vị đang nghiên cứu, đưa vào áp dụng mô hình TBA không người trực, góp phần nâng cao chất lượng điện, giảm chi phí. Từ đầu năm 2016 đến nay, ngành điện phối hợp với một số đơn vị viễn thông, truyền hình cáp tổ chức bó gông cáp viễn thông, dây điện trên địa bàn được gần 30 km. Ngành điện cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để giảm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Những năm tới, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân ngày càng lớn, đòi hỏi chất lượng điện năng và dịch vụ khách hàng phải không ngừng tăng lên. Để đáp ứng những yêu cầu trên, Điện lực Hải Dương tiếp tục đầu tư các công trình chống quá tải lưới điện 110 kV và lưới điện phân phối, xây dựng các TBA, giảm bán kính cấp điện hạ thế. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giao dịch với khách hàng theo cơ chế một cửa; công khai, minh bạch các chi phí để khách hàng dễ tiếp cận các dịch vụ của ngành điện...
TRẦN VĂN CƯỜNGGiám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương