Tăng ca, làm thêm giờ dịp cuối năm giúp công nhân có thêm thu nhập để chuẩn bị đón Tết, nhưng đổi lại cuộc sống của họ bị đảo lộn, ảnh hưởng đến sức khỏe...
Nhiều xóm trọ trở nên vắng vẻ vì công nhân làm tăng ca về muộn
Thời điểm gần đây, do đặc thù sản xuất, nhiều đơn hàng phải hoàn thành vào dịp cuối năm nên nhiều doanh nghiệp khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng ca. Tuy nhiên, làm việc với cường độ cao khiến cuộc sống của nhiều công nhân bị đảo lộn, đồng thời dễ dẫn đến vi phạm quy định làm thêm giờ của pháp luật lao động.
Cuộc sống đảo lộnChị Đào Thị Hương, công nhân Công ty May Trấn An (TP Hải Dương) cho biết có thời gian chị liên tục làm tăng ca đến 6 giờ 30 tối mới nghỉ. Chồng chị cũng làm thêm giờ nên 2 đứa con phải gửi về quê ở với ông bà. Đứa con bé của chị chỉ mới tròn 1 tuổi. Trước đây, chị gửi con ở một điểm trông trẻ tư nhân. Gần đây, chị đi làm về muộn nên người giữ trẻ đã tăng tiền công lên gần 2 triệu đồng/tháng. Vì tăng ca nhiều, về đến phòng trọ chị rất mệt nên cũng không có thời gian chăm sóc con nhỏ. Thương con nhưng chị đành cai sữa và gửi về quê. Các gia đình ở cùng xóm trọ cũng có hoàn cảnh tương tự chị Hương đều phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc mỗi dịp cuối năm, cận Tết.
Anh Vũ Hồng Quang ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đang làm công nhân tại một công ty chuyên gia công mặt hàng nhôm kính. Tháng 12 vừa qua, anh giữ kỷ lục về thời gian làm việc ở công ty với 51 công. Trong tháng hầu như anh không nghỉ chủ nhật. Nhiều ngày liền anh làm cả 2 ca liên tục với thời gian lên đến 16 tiếng. Làm nhiều như vậy nên về đến nhà anh chỉ nghỉ ngơi, mọi việc gia đình đều phó thác cho người thân lo liệu.
Dịp này, những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, xây dựng, may mặc, giày da… tăng ca nhiều. Một số đơn vị khoán sản phẩm khiến công nhân chạy theo số lượng nên thời gian làm thêm càng tăng cao. Chị Hoàng Thị Linh trọ tại khu 1, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), đang làm cho một công ty may cho biết gần đây ngày nào chị cũng đi làm từ sáng đến tận 9 giờ tối mới về. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy vẫn còn nhiều công nhân ở lại làm. “Do khoán sản phẩm nên chúng tôi đều có tâm lý cố làm để không phải san sẻ mã hàng cho người khác. Theo quy định, buổi trưa công nhân được nghỉ gần 1 tiếng nhưng hầu như mọi người chỉ ăn vội vàng rồi lại làm tiếp. Buổi tối, khi tôi về đến nhà lo cơm nước, tắm giặt thì mọi người đã chuẩn bị đi ngủ cả rồi”, chị Linh mệt mỏi nói.
Công nhân - doanh nghiệp "bắt tay" lách luậtLý do khiến công nhân dù rất mệt mỏi nhưng vẫn cố và có phần thích được tăng ca là thu nhập được nâng lên rõ rệt. Theo chị Linh, tháng gần đây nhất, khi công ty thanh toán tiền lương, trong tổ may của chị có người nhận được hơn 10 triệu đồng tiền sản phẩm. Nếu tính trung bình thì thu nhập của công nhân cũng tăng một nửa so với mức thu nhập vào thời điểm không làm tăng ca. Hay trường hợp của anh Quang kể trên, với 51 công/tháng anh đã có thu nhập không dưới 15 triệu đồng. Những khoản thu nhập tăng thêm có thể giúp công nhân có thêm phần trang trải trong cuộc sống và đặc biệt là vào dịp Tết đến, khi nhu cầu chi tiêu tăng lên.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, thời gian làm thêm giờ đối với người lao động (NLĐ) không được quá 200 giờ/năm, 12 giờ/ngày và 30 giờ/tháng. Một trong những mục đích của việc quy định làm thêm giờ là nhằm bảo đảm thời gian nghỉ ngơi để NLĐ tái tạo sức lao động. Vì vậy, dù cả NLĐ và chủ sử dụng lao động đều thỏa thuận đồng ý nhưng việc làm thêm quá nhiều thời gian vào khoảng cuối năm là vi phạm cần phải được xử lý. Đối với NLĐ làm thêm giờ tuy có lợi là nâng cao thu nhập nhưng họ phải chịu không ít thiệt thòi vì cuộc sống đảo lộn, sức khỏe bị ảnh hưởng, thậm chí bị chủ sử dụng tận dụng triệt để sức lao động.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đối phó với cơ quan chức năng, có doanh nghiệp cho công nhân quẹt thẻ tính công gian lận về thời gian. Ví dụ, công nhân tăng ca đến 19 giờ, nhưng khi quẹt thẻ chấm công chỉ ghi 17 giờ. Tiền làm thêm giờ sẽ được chủ sử dụng tính riêng. Đối với những doanh nghiệp tính lương theo khoán sản phẩm cũng khó xác định thời gian làm thêm giờ của NLĐ. Bởi chủ sử dụng không bắt buộc công nhân phải làm thêm mà chỉ giao sản phẩm. Ai muốn có thu nhập cao thì tự nguyện ở lại làm. Theo hình thức này, NLĐ sẽ bị “kích thích” làm nhiều để có nhiều tiền. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng rất nhiều lợi nhuận vì họ tận dụng được tối đa sức lao động sẵn có và không phải thuê nhiều nhân công, giảm được rất nhiều chi phí, trong đó có việc đóng bảo hiểm xã hội.
Để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hạn chế vi phạm quy định về thời gian làm thêm giờ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân, lao động hiểu rõ, tránh làm việc quá nhiều nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài và không bị doanh nghiệp tận dụng triệt để sức lao động.
Điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính đối với những vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau: phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi thực hiện giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại điều 104 của Bộ luật Lao động; huy động NLĐ làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của NLĐ (trừ trường hợp theo quy định tại điều 107 của Bộ luật Lao động). Phạt tiền từ 25 - 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b, khoản 2, điều 106 của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ, lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần. |
PV