Tăng ca nhiều, ban ngày chủ yếu ở công xưởng, tối muộn mới về, thời gian chăm lo cho gia đình cũng hạn hẹp... Đó là nỗi niềm riêng mà những nữ công nhân khó có thể tỏ bày.
Một nữ công nhân ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) sống cùng con trong căn nhà trọ chật chội
Lãng phí tuổi xuân
Ngày nào cũng vậy, 8 giờ tối chị Lưu Thị L. ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) mới đi làm về. Dáng vẻ mệt mỏi, uể oải, chị L. pha vội gói mỳ tôm ăn cho đỡ đói, tranh thủ tắm gội rồi... lên giường đi ngủ. Đã ngoài 40 tuổi nhưng mỗi lần bố mẹ giục giã chuyện chồng con chị L. lại lặng thinh hoặc lảng sang chuyện khác. Cả tuần 6 ngày làm việc căng thẳng đã vắt kiệt sức lực nên ngày chủ nhật chị L. chỉ muốn dành để nghỉ ngơi, lấy lại sức tiếp năng lượng cho một tuần làm việc mới. Cứ thế, chị L. bị cuốn theo vòng xoáy công việc, tuổi xuân qua đi vội vã. Giờ đã cứng tuổi, chị L. lại mặc cảm và ngại ngần khi nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Không riêng chị L. mà khá nhiều đồng nghiệp của chị cũng chung hoàn cảnh ấy. Ngay cả cô em gái của chị năm nay đã gần 40 tuổi, làm cùng công ty cũng chưa lấy chồng. "Cả ngày đứng làm việc mệt rã rời, hôm nào cũng tăng ca đến 8-9 giờ tối mới về nên tôi không còn thời gian để đi chơi, giao lưu với bạn bè. Các mối quan hệ cũng hẹp dần nên chuyện chồng con cũng trở nên khó khăn hơn", chị L. buồn bã nói.
Năm nay đã sang tuổi 38 nhưng chị Vũ Thu H. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vẫn chưa tìm được người phù hợp để xây dựng gia đình. Không phải vì chị H. "kén cá chọn canh" mà chỉ đơn giản vì chị không có thời gian để tìm hiểu. Dù chị H. đã lên chức tổ trưởng với thu nhập tương đối ổn định nhưng cuộc sống riêng tư của chị vẫn chất chứa nỗi buồn. "Khi còn trẻ tôi cố gắng tăng ca kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình. Đến khi có thu nhập ổn định thì đã ngoài 30 tuổi. Lúc này bắt đầu để ý tìm bạn đời mới thấy thật khó, cao không tới, thấp không thông", chị H. chia sẻ.
Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng có thể thấy tỷ lệ nữ công nhân rơi vào tình trạng ế chồng ngày càng nhiều. Ngoài nguyên nhân do tính chất công việc thường xuyên phải tăng ca, nữ công nhân cũng bị hạn chế các mối quan hệ bởi môi trường sống, làm việc. Họ thường làm việc trong các doanh nghiệp dệt may, giầy da, nơi có tỷ lệ lao động nữ cao gấp nhiều lần nam giới. Do vậy, cơ hội tìm bạn đời càng trở nên khó khăn hơn. Hiện nay, các thiết chế văn hóa dành cho công nhân nói chung, công nhân nữ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế nên các nữ công nhân cũng không có nhiều cơ hội giao lưu, tìm hiểu...
Canh cánh gánh nặng gia đình
Những công nhân nữ may mắn hơn trong chuyện tình duyên thì sau khi lập gia đình lại canh cánh bao nỗi lo toan, nhất là những người làm xa quê, phải ở trọ. Nếu giữ con bên mình thì phải chấp nhận gửi con ở những điểm trông tư nhân với chi phí đắt đỏ so với thu nhập. Nhiều người phải tăng ca thường xuyên không có thời gian đưa đón con, đành gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.
Chị Nông Thị Cảnh, công nhân Công ty TNHH Samil Vina Hà Nội (TP Hải Dương) quê ở Sơn La. Hai vợ chồng chị xuống Hải Dương làm công nhân đã 4 năm nay. Khi con còn nhỏ, chồng chị Cảnh phải nghỉ làm để ở nhà trông con. Thời gian ấy, cả 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương của chị Cảnh. Khi con 10 tháng tuổi, vợ chồng chị Cảnh gửi con ở trường tư với chi phí gần 2 triệu đồng/tháng. Được mấy tháng không kham nổi hai vợ chồng đành gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp. "Dứt hơi mẹ khi còn quá nhỏ nên con tôi quấy lắm. Mấy đêm đầu cháu khóc suốt, lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ làm về ngay với con, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên đành phải chịu. Giờ cháu đã quen và ngoan hơn nhưng tôi buồn lắm vì không được ở bên con hằng ngày", chị Cảnh ngậm ngùi.
Để giảm bớt gánh nặng cho công nhân, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thế nhưng đến nay cả tỉnh mới chỉ có Công ty TNHH Shints - BVT ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) xây dựng được điểm trông giữ trẻ miễn phí cho công nhân.
Sau giờ tan ca, chị Bùi Thị Thoan, công nhân ở khu công nghiệp Đại An lại vội vàng về nhà. Đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, dạy con học... cũng phải đến nửa đêm. Chị Thoan làm hành chính cho công ty liên doanh nên thu nhập khá ổn định. Chồng chị làm việc tự do, theo thời vụ nên thu nhập bấp bênh. Chị Thoan trở thành lao động chính trong nhà. Mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu trông vào tiền lương của chị, chưa kể tới các khoản tiền phát sinh như ma chay, đám giỗ... Công việc vất vả cộng thêm gánh nặng việc nhà nên nhìn chị Thoan già trước tuổi. "Lâu lắm rồi tôi không mua sắm gì cho riêng mình, thậm chí nhiều hôm đi làm vội quá còn quên chải đầu...", chị Thoan chia sẻ.
Ngoài ra, ở Hải Dương hiện có rất đông công nhân nữ ở trọ. Theo một khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, phần lớn nhà trọ trong các khu dân cư là nhà cấp 4, ẩm thấp. Cuộc sống của công nhân trong những căn nhà trọ này chỉ bảo đảm ở mức tối thiểu...
MINH NGUYỆT