Công nhân nữ sợ bị quấy rối

02/04/2019 12:09

Với đặc thù nghề nghiệp, không ít công nhân nữ phải thường xuyên làm thêm giờ vào buổi tối hoặc làm ca đêm nên khi về muộn đã bị kẻ xấu chọc ghẹo, quấy rối.

Liên đoàn Lao động tỉnh vừa phối hợp với Tổ chức Batik International tổ chức hội thảo về chủ đề "Lao động nữ bị quấy rối tình dục" đã thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu

Tự tìm cách đối phó

Chị Hoàng Thị Hiền quê ở Thanh Hóa, hiện là công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi chi nhánh khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành). Quãng đường từ công ty về đến nhà trọ của chị Hiền khoảng 6 km. Vào những thời điểm công ty tăng ca, chị phải về muộn nên rất lo sợ. Một số điểm trên đường về thường có một số nam giới thấy phụ nữ đi qua là chọc ghẹo, quấy rối. Nếu công ty tăng ca quá muộn, chị phải nhờ người quen là nam giới đến đón. Trước đây, chị Hiền từng trọ ở khu vực khác. Đoạn đường từ công ty về nhà trọ đi qua cầu Hảo Thôn, phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Ở khu vực này cũng thường xuyên có một số nam giới có hành vi thiếu tế nhị như vậy. Do đó, chị Hiền đành tìm cách đối phó chứ cũng không biết chuyển chỗ ở đi đâu mới tránh được những tình huống này.

Tương tự, chị Lê Thị Thanh Huyền ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) cho biết trước đây chị làm công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An). Có thời điểm chị thường xuyên đi lại vào buổi tối muộn và sáng sớm trên quãng đường gom từ khu công nghiệp Đại An về nhà. Không ít lần chị bị một số nam giới chặn đầu xe máy trêu chọc, có hành vi quấy rối, xin tiền… Những lúc như thế chị Huyền chỉ biết năn nỉ hoặc chờ có người đi qua thì kêu lên để bọn chúng bỏ đi.

Có lẽ không ít công nhân nữ bị quấy rối như các chị Hiền và Huyền. Ông Bùi Văn Lân, Trưởng khu dân cư 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết từng nhận được phản ánh về tình trạng công nhân nữ ở trọ bị quấy rối trên đường đi làm về muộn. Cách đây chưa lâu, một nữ công nhân làm việc ở Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vân Anh trên đường về nhà trọ bị một đối tượng nam thường xuyên bám theo, buông lời gạ gẫm thiếu tế nhị. Quá sợ hãi, chị này đã cầu cứu đến sự giúp đỡ của các bạn nhà trọ và phản ánh với trưởng khu dân cư. 

Trước thực trạng này, mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Batik International tổ chức hội thảo với chủ đề "Lao động nữ bị quấy rối tình dục". Tại hội thảo, các đại biểu nhận định khi gặp trường hợp này, công nhân nữ phải tự tìm cách đối phó vì trên thực tế còn thiếu biện pháp hỗ trợ họ cũng như các chế tài xử phạt hành vi trên. Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết công ty có hơn 21.000 công nhân lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ nhưng chưa bao giờ công đoàn công ty nhận được phản ánh của họ về việc bị quấy rối, nhất là lúc đi làm về muộn.

Cần được bảo vệ

Có nhiều lý do khiến nữ công nhân không phản ánh bản thân bị quấy rối với tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp. Chị Hiền cho rằng đây là việc xảy ra trên đường, không thuộc phạm vi quản lý của bất cứ ai nên chị không phản ánh và cũng không biết phản ánh với ai. Đôi khi chính bản thân nữ công nhân cũng không nhận thức được rằng đây là hành vi quấy rối tình dục. Công đoàn ở một số doanh nghiệp chưa quan tâm tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn cho nữ công nhân về hiện tượng này…  

Việc bị quấy rối khiến cho các nữ công nhân luôn lo lắng, sợ hãi. Sau một thời gian đối mặt với tình trạng bị quấy rối như vậy, tháng 2 vừa qua, chị Huyền đã quyết định nghỉ việc ở Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, chuyển về làm cho một xưởng may ở gần nhà. Dù thu nhập giảm nhưng tâm lý chị Huyền ổn định hơn, không còn cảm giác lo sợ mỗi khi đi làm về muộn.

Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng để hạn chế việc lao động nữ bị quấy rối thì vai trò của các công đoàn cơ sở là rất lớn. Trước hết phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Tích cực tuyên truyền để nữ công nhân nhận biết được các hành vi bị quấy rối tại nơi làm việc cũng như trên đường đi làm, tại khu trọ. Cần đưa những tình huống cụ thể để nữ công nhân có cái nhìn thực nhất về các hành vi trên. Đồng thời cung cấp thông tin, hướng dẫn địa chỉ để công nhân nữ phản ánh khi gặp tình huống bị quấy rối.

Theo ông Lân, chính quyền địa phương cần vào cuộc, bố trí lực lượng an ninh thường xuyên đi tuần trên các đoạn đường vắng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng để quấy rối công nhân. Các khu dân cư có công nhân lao động thuê trọ cần bố trí hòm thư tố giác tội phạm để họ có thể phản ánh kịp thời…

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân nữ sợ bị quấy rối