Công nhân lo Tết

09/02/2015 05:26

Kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và tiền thưởng Tết của đại bộ phận công nhân. Chỉ hơn chục ngày nữa là đến Tết, họ lại tiếp tục bộn bề lo toan.




Những ngày này, cả mẹ đẻ và mẹ chồng của chị Trần Thị Nghiên phải gác công việc ở quê lên trông 3 đứa con cho chị đi làm

Ngại Tết

Ngày nghỉ cuối tuần, đi một vòng quanh các xóm trọ của công nhân, ở đâu tôi cũng thấy mọi người bàn tán sôi nổi về chủ đề Tết. Những câu hỏi phổ biến là: "Tết này bên anh thưởng bao nhiêu?". "Bên ấy có tháng lương thứ 13 không?"... Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết. Nhiều người đã bắt đầu chuẩn bị đồ đạc, mua sắm quà cáp để về quê ăn Tết. Tuy vậy, còn không ít công nhân vẫn đang chăm chỉ làm tăng ca mong có thêm chút thu nhập về ăn Tết cùng gia đình.

Khu dân cư Tứ Thông (phường Tứ Minh, TP Hải Dương) tập trung nhiều phòng trọ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đại An thuê. Những ngày này, các xóm trọ ở đây rất vắng vẻ do công nhân đều tranh thủ tăng ca để có thêm thu nhập. Được người quen giới thiệu, tôi tìm gặp anh Trịnh Văn Khanh (27 tuổi, quê ở xã Hà Kỳ, Tứ Kỳ) làm công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam được 3 năm. Khanh cho biết, hằng tháng, lao động không nghỉ ngày nào anh cũng chỉ có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu làm tăng ca, thêm giờ thì có thêm hơn 1 triệu đồng để chi tiêu. Trong căn phòng trọ chưa đầy 12 m2, ăn vội bát cơm chiều để kịp giờ đi làm, anh Khanh cho biết thêm: “Năm nay công ty thưởng Tết cho mỗi công nhân thêm 1 tháng tiền lương và một suất quà. Trừ 600 nghìn tiền thuê nhà, 3 triệu đồng để dành sau Tết còn chi tiêu, mình chỉ còn khoảng 3 triệu đồng để lo Tết”. Bố mẹ anh Khanh đang làm ruộng ở quê nên thu nhập cũng chẳng được là bao. Tiền chi tiêu ngày Tết trông chờ cả vào đồng lương và khoản tiền thưởng Tết anh Khanh mang về.  

Giống như hoàn cảnh của anh Khanh, chị Nguyễn Thị Huyền (35 tuổi, ở xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang) cũng có nỗi niềm lo lắng. Chị Huyền đang là công nhân may của một công ty liên doanh. Chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch đón Tết, chị bộc bạch: “Năm nay công ty thưởng cho mỗi công nhân gần 3 triệu đồng. Mình sống cùng bố mẹ và nuôi con gái nhỏ nên số tiền này cũng chẳng thấm vào đâu. Phải tiết kiệm lắm mới đủ mua sắm trong dịp Tết”.

Những công nhân trong tỉnh đã chật vật là vậy, nhưng những người ở ngoại tỉnh còn khó khăn hơn nhiều. Chị Trần Thị Nghiên (phường Trần Phú, TP Bắc Giang) làm tại Công ty TNHH Dây cáp điện ô-tô Sumiden được 6 năm. Chị là kế toán nên làm việc theo giờ hành chính. Ba con đều nhỏ, chồng lại đang đi làm xa, mẹ chồng và mẹ chị Nghiên đều phải tạm gác công việc ở quê lên ở cùng để giúp chăm sóc các cháu. Năm nay công ty của chị Nghiên cũng cố gắng cho mỗi người thêm tháng lương thứ 13 để ăn Tết. Nhưng đối với hoàn cảnh của chị, việc sắm sửa ngày Tết còn là một điều xa vời. Chị Nghiên tâm sự: “Thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 10 triệu đồng/tháng nhưng còn phải tiết kiệm nuôi 3 đứa con nên cũng không dám nghĩ gì đến việc chơi Tết”. Thu nhập thấp, mức lương thường ngày chưa bảo đảm cho cuộc sống bình thường là hoàn cảnh chung của nhiều công nhân nên không ít người trong số họ đều có tâm lý ngại Tết.

Chi tiêu tiết kiệm

"Mình sống cùng bố mẹ và nuôi con gái nhỏ nên số tiền này cũng chẳng thấm vào đâu. Phải tiết kiệm lắm mới đủ mua sắm trong  dịp Tết”.
Vào dịp cuối năm, các mặt hàng có xu hướng tăng giá. Mọi khoản chi tiêu đều trông chờ vào đồng lương và tiền thưởng Tết nên cuộc sống của công nhân càng thêm khó khăn. Vì số tiền thưởng Tết có hạn nên với họ “thắt lưng, buộc bụng” là phương án để có những ngày vui Tết đầm ấm, giản dị nhưng vẫn bảo đảm cuộc sống sau những ngày nghỉ dài.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nõn (xã Gia Lương, Gia Lộc) là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đại An. Cả hai vợ chồng chị đều được thưởng tháng lương thứ 13 nên có khoảng 6 triệu đồng tiêu Tết. Chị dự định mua quà trị giá 500 nghìn đồng biếu hai bên gia đình nội ngoại. Anh chị có một cháu gái mới 18 tháng tuổi nên chưa cần mua sắm nhiều. Trước ngày nghỉ, hai vợ chồng chị sẽ đi mua sắm quần áo, giầy dép ở “chợ sinh viên” (chợ đêm Thanh Bình, TP Hải Dương) vừa rẻ, lại có thể chọn được nhiều đồ. Lo nhất là khoản lì xì cho các cháu nhỏ. Khi nào nhận lương, chị sẽ đổi một ít tiền mới loại 10 - 20 nghìn đồng để mừng tuổi. Trở về nhà sau ca làm chiều, chị Nõn cho biết: “Những năm nay, kinh tế đều khó khăn nên các gia đình cũng không nặng nề chuyện lì xì ít hay nhiều. Chủ yếu là lấy may cho trẻ nhỏ. Tưởng là ít nhưng năm ngoái, hai vợ chồng tôi cũng mất gần 2 tháng tiền nhà cho khoản này đấy”.

Một khoản quan trọng nữa là tiền mua thực phẩm. Ở quê chỉ có bố mẹ chồng nên cũng không chăn nuôi thêm được con gì ngoài hơn chục con gà. Vì lịch nghỉ Tết muộn nên chị Nõn dự tính mua dăm cái bánh chưng, 2 kg thịt lợn, 1 thùng bia, chút rau, dưa, hoa quả, bánh kẹo để đãi khách. Tất cả chi phí hết khoảng hơn 4 triệu đồng. Số tiền còn lại anh chị để dành chi tiêu sau Tết.

Chưa có gia đình riêng nhưng anh Khanh cũng đã có một chương trình “chơi” Tết cho năm nay. Rút kinh nghiệm những năm trước, do chi tiêu không có kế hoạch nên sau Tết anh lại phải vay mượn gia đình, bạn bè để có tiền chi tiêu. Năm nay, anh Khanh sẽ biếu bố mẹ trước 2 triệu đồng để sắm Tết. Mọi chi tiêu cá nhân trong 9 ngày nghỉ chỉ trong khoảng 1 triệu đồng. Số tiền còn lại anh gửi mẹ giữ hộ cho chắc. Anh Khanh kể: “Năm ngoái, em đi chơi với bạn bè nhiều nên tiêu hết sạch tiền. Ra Tết em phải vay tiền bạn bè để ăn và đóng tiền phòng trọ. Năm nay, em chỉ đi chơi chúc Tết họ hàng, bạn bè thân thiết, hạn chế uống rượu để bảo đảm sức khỏe còn làm việc”.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh có 2,7 vạn công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Mức thu nhập bình quân của một công nhân khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy nghỉ Tết dài 9 ngày, nhưng các khoản tiền điện, nước, tiền thuê phòng trọ vẫn phải đóng khiến nhiều công nhân lo lắng, nhất là những người đã có gia đình.


ÐỨC TÂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân lo Tết