Công nhân còn thờ ơ với bảo hộ lao động

24/09/2014 06:04

Một số người lao động không mấy quan tâm đến việc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hiện nay.



Người lao động tham gia xây dựng tòa nhà Chi cục Thuế huyện Gia Lộc đang thi công tầng 4
nhưng không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào. Ảnh: Trần Tâm


Ngại sử dụng

Thời gian qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm khu xưởng sản xuất của rất nhiều công ty như May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách), May Vạn Hoa (Kim Thành), May xuất khẩu SSV (Gia Lộc), May Hợp Tứ (Thanh Miện), Samil Hà Nội (TP Hải Dương)... Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, may mặc với quy mô từ hàng trăm công nhân lao động (CNLĐ) trở lên. Do đặc thù sản xuất nên tại các phân xưởng đều rất ồn, nóng và bụi từ các thiết bị máy móc tỏa ra khiến người lạ bước vào cảm thấy rất ngột ngạt, khó chịu. Cảm giác khó chịu ấy còn tăng lên gấp nhiều lần vào những ngày nắng  nóng mùa hè. Ấy thế nhưng, có rất ít CNLĐ trong các công ty trang bị khẩu trang khi làm việc. Chúng tôi hỏi một CN Công ty May xuất khẩu SSV thì nhận được câu trả lời, những ngày đầu vào làm đa phần CN cũng đeo khẩu trang. Nhưng làm lâu quen với không khí trong nhà xưởng thì dần dần nhiều người không còn chú ý đeo khẩu trang nữa. Vì khi đeo nhiều người cảm giác khó thở và không được thoải mái. Ngoài ra, phần lớn CNLĐ cho rằng, nếu trong không khí có bụi thì đeo khẩu trang cũng không lọc được hết nên "thờ ơ" với việc này.

CNLĐ làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ và các ngành nghề tự do thì ý thức trang bị bảo hộ cá nhân cũng rất kém. Anh Nguyễn Văn K. (xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) làm nghề xây dựng công trình dân dụng đã hàng chục năm nay trong và ngoài tỉnh. Dù là ngành nghề có rất nhiều nguy cơ gây tai nạn nhưng theo lời anh K. thì anh cùng các đồng nghiệp hầu như không có bất kỳ trang bị bảo hộ lao động nào. Bởi đây là công việc mang tính thời vụ, người lao động như các anh cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ ai mà chỉ làm việc theo kiểu "giao kèo" miệng và thông qua các mối quan hệ với nhau. Nếu sắm sửa các trang thiết bị bảo hộ sẽ tốn kém tiền của cá nhân. Một điều nữa là CN xây dựng ngại mang các thiết bị bảo hộ lao động khi lắp đặt giàn giáo vì mất nhiều thời giờ (cả lắp đặt, tháo dỡ) và vướng víu...

Trách nhiệm thuộc về chủ sử dụng lao động

Người lao động chủ quan không trang bị các thiết bị bảo hộ lao động trong khi làm việc sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xảy ra khoảng 8 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm khoảng 60 người chết. Dù có nhiều nguyên nhân, ngoài trách nhiệm của các đơn vị chủ quản, thì người lao động thiếu ý thức trong việc tự bảo vệ mình là rất đáng chú ý. Cách đây khoảng 3 năm, anh Vũ Văn K. ở xã Trùng Khánh (Gia Lộc) đã chết vì tai nạn lao động. Theo người nhà kể lại, lúc đó anh K. đang tham gia xây dựng nhà ở cho một người hàng xóm. Do bất cẩn không quan tâm đến vấn đề an toàn nên anh đã bị ngã từ trên mái nhà xuống, bị chấn thương nặng và không qua khỏi. Anh K. là lao động chính trong gia đình. Sự ra đi đột ngột của anh K. còn dập tắt hy vọng chữa mắt cho đứa con trai lớn khiến nỗi buồn của gia đình càng lớn hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hinh, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện phần lớn các cơ sở sản xuất thường kết hợp giữa sản xuất thủ công với các công nghệ máy móc. Đây chính là môi trường làm việc khó tránh khỏi những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người như khói, bụi... Những yếu tố này không ảnh hưởng trong một sớm một chiều mà thường trải qua một quá trình dài mới phát tác hoặc là nguyên nhân khiến cho một số bệnh tật trong cơ thể con người phát triển thuận lợi hơn. Tuy không thể bảo đảm 100% nhưng nếu trang bị tốt các thiết bị bảo hộ lao động sẽ hạn chế được rất nhiều tác dụng của các yếu tố trên, giúp người lao động hạn chế nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Vì sự thoải mái và chút lợi ích nhỏ trước mắt mà nhiều người lao động đang đặt cược sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình khi không trang bị bảo hộ lao động. Thay đổi nhận thức cho người lao động về vấn đề này là rất cần thiết. Trước hết, phía cơ quan chủ quản của người lao động cần có những biện pháp thiết thực từ tuyên truyền đến các biện pháp xử lý phù hợp để người lao động hiểu rõ mối nguy hiểm có thể gặp phải. Bảo vệ sức khỏe cho người lao động cũng chính là bảo vệ "tài sản" vô giá cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, các đơn vị cũng nên tích cực trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động. Thông qua đó, việc "buộc" họ chấp hành nghiêm các quy trình bảo hộ sẽ trở nên thuận lợi hơn. Đối với những đơn vị sản xuất lớn, có quy mô, có tổ chức công đoàn thì các cán bộ công đoàn cần phải có biện pháp tuyên truyền, vận động CNLĐ hiểu rõ việc này. Ngoài ra, người lao động cần phải có ý thức cao hơn nữa trong việc bảo vệ mình, cũng chính là bảo vệ gia đình và người thân của mình.

Theo điều 138, Bộ luật Lao động thì người lao động có nghĩa vụ sau đây: chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc.


NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân còn thờ ơ với bảo hộ lao động