Công nhân bị lạm thu tiền điện

28/01/2013 09:46

Nguyên nhân là do người lao động thuê trọ chưa thực sự hiểu được quyền lợi về giá tiền điện phải trả của mình để đòi hỏi chủ nhà thực hiện...



Chị Nguyễn Thị Nga ở trọ cùng người bạn tại phường Bình Hàn (TP Hải Dương) phải trả tiền điện với mức 3.500 đồng/kwh


Chấp nhận giá "cắt cổ"


Hơn 5 năm trước, rời đất Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), anh Đoàn Văn Quang về Hải Dương lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc khác nhau, hiện anh đang làm công nhân tại Công ty CP In Tân Tiến (TP Hải Dương). Để thuận lợi cho công việc, anh và vợ con thuê nhà tại khu 5, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương). Hỏi về giá điện phải trả hằng tháng, anh Quang bức xúc: "Trước đây, chủ nhà thu tiền điện với giá 3.500 đồng/kWh, nhưng hiện nay đã tăng lên 4.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc thì được giải thích do giá điện tăng thêm 5% từ ngày 22-12-2012. Cả gia đình tôi mỗi tháng dùng hết khoảng 80 kWh, tính ra mất hơn 300 nghìn đồng. Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm điện như không dùng đèn sưởi ấm cho con nhỏ... Nhưng với mức lương của hai vợ chồng khoảng 6 triệu đồng/tháng, thì số tiền điện phải trả hằng tháng quả là một gánh nặng". Do các nhà trọ ở khu vực xung quanh cũng thu mức ấy nên anh đành phải chấp nhận ở lại. Nếu chuyển đi nơi khác có giá điện rẻ hơn thì vợ chồng anh lại phải đi xa chỗ làm, qua quốc lộ không thuận tiện.

Chị Nguyễn Thị Nga và 3 người bạn nữa cùng làm tại Công ty TNHH Samil Hà Nội (TP Hải Dương). Họ thuê chung một căn nhà trọ ở phường Bình Hàn. Phòng của các nữ công nhân hết sức giản tiện những món đồ tiêu tốn nhiều điện, chỉ có duy nhất một nồi cơm, 1 ấm đun nước, chiếc ti-vi nhỏ, quạt điện và hai bóng típ chiếu sáng. Ban ngày, họ đi làm, có nhiều hôm tăng ca đến 8-9 giờ tối mới về. Có khi cả tuần không nấu bữa cơm nào ở nhà. Ti-vi thỉnh thoảng họ mới có thời gian mở. Đột nhiên tháng 12-2012, họ được chủ nhà thông báo dùng hết gần 70 kWh thay vì mức trung bình khoảng 40 kWh như trước kia, kèm theo giá tiền cũng tăng từ 3.000 đồng lên 3.500 đồng/kWh. Chị Nga cùng các bạn thắc mắc, chủ nhà trọ nói do giá điện tăng nên phải tăng theo. Mấy nữ công nhân đành "tặc lưỡi" cho qua, vì biết đi chỗ khác thuê trọ cũng thế thôi. Thay vì cắm ấm điện đun nước thì họ chuyển sang đun than, chấp nhận chi tiêu eo hẹp thêm một chút để bù vào tiền điện, nước hằng tháng.

Trong vai người lao động đi tìm phòng trọ, chúng tôi đến thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), nơi có nhiều gia đình xây dựng phòng trọ cho công nhân thuê. Vào dãy trọ có khoảng 10 phòng, ở tách riêng biệt với chủ nhà, chúng tôi gọi điện theo số ghi ở tấm biển thông báo có phòng cho thuê đặt trước cổng, người nhấc máy cho biết, ở đây tiền điện tính với mức 3.000 đồng/kWh, nước 15 nghìn đồng/m3. Nhưng khi trao đổi với một nữ công nhân thuê trọ tại đây đang nghỉ chờ sinh con, thì được biết, chủ nhà đã nhắc đến việc tăng tiền điện, nhưng vì đang cần người ở nên mới thỏa thuận vậy để lấy lòng khách. Sau này, khi đã đến ở quen, họ sẽ tìm cách  tăng giá...

Hầu hết các chủ nhà trọ đều bao biện, họ phải đầu tư mua sắm các thiết bị như dây điện, công-tơ, chịu trách nhiệm sửa chữa, khấu hao điện năng... nên phải thu cao như vậy, chứ chẳng lời lãi gì.

Không được hưởng ưu đãi


Để hỗ trợ người lao động đang phải thuê nhà ở trọ được hưởng mức giá tiền điện công bằng, Bộ Công thương đã có quy định cứ 4 người cùng trọ được tính là một hộ sử dụng điện để tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Điều kiện người thuê nhà phải có tạm trú, tạm vắng từ 12 tháng trở lên. Họ có thể tự đứng lên hoặc nhờ chủ nhà ký hợp đồng mua bán điện với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ở tỉnh ta số công nhân lao động (CNLĐ) được hưởng theo mức này rất ít. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh trong năm 2012, có khoảng 17,5 nghìn CNLĐ đang thuê trọ tại TP Hải Dương, tập trung đông ở các phường Việt Hòa, Tứ Minh, Cẩm Thượng, Bình Hàn, xã Ái Quốc... Nhưng theo bản đăng ký của Điện lực thành phố, đến nay chỉ có khoảng 1.300 công-tơ phát sinh so với số gia đình đơn vị quản lý. Con số này lại bao gồm cả những gia đình có nhu cầu tách hộ cho con cái. Tương tự, ở huyện Cẩm Giàng năm 2012 có khoảng 2.000 CNLĐ thuê trọ trong khu dân cư, nhưng theo Điện lực huyện thì chỉ có khoảng 380 công-tơ phát sinh. Vậy có thể khẳng định, số CNLĐ thuê trọ được "hưởng" mức giá bán lẻ điện sinh hoạt không đáng kể. Một phần do chủ nhà trọ chưa quan tâm đến việc đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người lao động. Họ vẫn coi tiền điện, nước là một phần thu nhập trong hoạt động kinh doanh nhà trọ. Mặt khác, người lao động thuê trọ cũng chưa thực sự hiểu được quyền lợi về giá tiền điện phải trả của mình để đòi hỏi chủ nhà thực hiện.

Theo ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc Điện lực TP Hải Dương, để người thuê nhà được hưởng mức giá bán điện sinh hoạt theo quy định cần có nhiều biện pháp. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần quan tâm, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng của người nhập cư trên địa bàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra tình hình cho thuê phòng trọ, thu tiền điện, nước tại khu dân cư, xử lý nghiêm những chủ nhà thu tiền điện, nước của người thuê trọ theo hình thức kinh doanh thương mại. Người ở trọ cần tìm hiểu, thỏa thuận với chủ nhà tránh bị gian lận. Các cấp công đoàn cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định có liên quan đến quyền lợi thiết thực cho CNLĐ như quy định về việc được hưởng giá điện theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt nêu trên.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nhân bị lạm thu tiền điện