Hai dãy nhà trọ 3 tầng khang trang với hơn 70 phòng trọ dành cho công nhân thuê miễn phí ở Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên ở trong tình trạng ế ẩm.
Chỉ có 2 công nhân nữ ở cùng nhau trong một căn phòng rộng gần 30 m2
Trong khi hàng vạn công nhân, lao động (CNLĐ) phải dè xẻn chi tiêu, chấp nhận thuê trọ trong những căn nhà cấp 4 tồi tàn, chịu tiền điện, nước cao gấp 2 - 3 lần so với quy định chung, thì 2 dãy nhà trọ 3 tầng khang trang với hơn 70 phòng trọ dành cho CNLĐ thuê miễn phí ở Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách) lại ở trong tình trạng ế ẩm.
Ý tốt của doanh nghiệpCông ty May mặc quốc tế Phú Nguyên (100% vốn Trung Quốc) kinh doanh trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Với đặc thù của ngành may, công ty sử dụng lực lượng lao động rất lớn, hiện có khoảng hơn 1.700 người (trong đó khoảng 80% là lao động nữ). Với suy nghĩ giúp CNLĐ ổn định chỗ ở, chia sẻ khó khăn với những lao động ở xa, đồng thời thực hiện chiến lược thu hút lao động ở các địa phương khác, năm 2006, sau khi thành lập được 3 năm, Ban Giám đốc công ty đã thống nhất xây dựng khu nhà ở cho CNLĐ. Ngay sau khi đề đạt nguyện vọng, công ty đã được cơ quan chức năng đồng ý cấp hơn 6.000 m2 đất liền kề với diện tích nhà xưởng ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) phục vụ việc xây dựng. Năm 2007, công ty đã hoàn thành một dãy nhà 3 tầng với 42 phòng trọ, diện tích 28,5 m2/phòng. Tất cả các phòng đều được trang bị quạt trần, giường sắt 2 tầng, hệ thống bóng điện chiếu sáng và nhiều vật dụng khác. Có nhân viên thu gom rác thải trong khuôn viên và nhà vệ sinh chung của dãy trọ.
Tháng 1 - 2008, công ty lại tiếp tục triển khai xây dựng một dãy nhà 3 tầng, với khoảng 30 phòng, diện tích và điều kiện vật chất tương tự như trên. Tuy nhiên, đến cuối năm, thấy số lượng CNLĐ vào ở tại khu nhà đã hoàn thành trước đây vẫn rất ít, còn nhiều phòng trống nên công ty không đưa dãy nhà mới vào hoạt động, ngừng lắp đặt hệ thống cửa sổ và một số chi tiết khác.
Công nhân không mặn màMặc dù cơ sở vật chất khá tốt, nhà mới xây, một mặt giáp quốc lộ tiện cho việc đi lại, một mặt giáp cánh đồng, không khí thoáng đãng... nhưng vào thời điểm cao nhất khu nhà trọ có không quá 50 công nhân đến ở. Để thu hút CNLĐ, công ty miễn phí tiền điện, nước sinh hoạt hằng ngày, đồng thời vẫn giữ nguyên số tiền phụ cấp xăng xe 90 nghìn đồng/tháng/ người đối với CNLĐ ở xa chuyển đến sống trong khu nhà tập thể. Vậy mà người lao động chẳng những không vào ở thêm mà ngày càng ít đi. Tính đến nay, chỉ còn khoảng 30 CNLĐ "bám trụ", trong đó có 3 gia đình công nhân có con nhỏ. Khi được hỏi tại sao không vào ở trong khu tập thể của công ty, chị Nguyễn Thị Hoa, một công nhân đang ở trọ trong khu dân cư cho biết: "Tôi không quen cuộc sống tập thể, mọi sinh hoạt đều phải chung đụng khá phiền phức. Nhiều khi đi làm về rất mệt, chỉ muốn lên giường ngủ trong khi những người khác mỗi người một việc sẽ ảnh hưởng. Vì vậy, dù tốn kém một chút tôi cũng quyết định không vào ở trong khu nhà tập thể của công ty".
Ngoài lý do trên, còn rất nhiều lý do khác khiến công nhân không mặn mà với nhà ở tập thể công ty. Bà Phạm Thị Thu, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: "Công đoàn đã tiến hành thăm dò ý kiến công nhân, phần đông trong số họ đều không thích bị quản lý về thời gian ra vào khu nhà ở tập thể. Hiện công ty quy định buổi tối công nhân phải về trước 22 giờ, chỉ được tiếp khách vào các ngày cuối tuần. Công nhân ra vào hoặc có người thân, bạn bè đến chơi đều phải khai báo và xuất trình giấy tờ theo quy định. Một lý do nữa là hiện nay phần đông CNLĐ của công ty là người địa phương, rất ít công nhân ở xa. Những người ở khu vực lân cận cách công ty khoảng 10-20 km lại chọn giải pháp đi về trong ngày. Do đó đối tượng có nhu cầu ở trọ ngày càng giảm. Việc sản xuất, kinh doanh của công ty hiện khá ổn định, nhu cầu tuyển dụng rất ít nên số lượng lao động hầu như không có biến động, người lao động cơ bản ổn định về chỗ ở".
Dù với bất cứ lý do gì thì việc nhà tập thể của Công ty May mặc quốc tế Phú Nguyên chỉ có 30 người ở trong khi có thể chứa khoảng 600 CNLĐ là một sự lãng phí rất lớn.
NGỌC THANH