Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa vi phạm về đất

21/11/2021 10:30

Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa đã lâu nhưng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, để xảy ra những vi phạm liên quan đến sử dụng đất.


Công ty CP Giầy Cẩm Bình đã sử dụng hơn 1,6 ha đất để sản xuất gạch men nhưng chưa được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định. Hiện công ty đã phải dừng hoạt động.

Sau khi cổ phần hóa, có doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, có doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân thuê lại tài sản để sử dụng vào mục đích không đúng với phương án ban đầu.

Cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn, cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển theo cơ chế thị trường, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, sau khi thực hiện CPH, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, còn để xảy ra các vi phạm liên quan đến sử dụng đất.

Chưa hoàn thiện thủ tục, sử dụng không đúng mục đích

Năm 2000, Công ty Dệt may Cẩm Bình Hải Hưng được CPH chuyển đổi thành Công ty CP Giầy Cẩm Bình ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Sau CPH, công ty quản lý, sử dụng 4 vị trí đất với tổng diện tích hơn 6,7 ha. Trong quá trình hoạt động, công ty đã có một số vi phạm về đất đai như sử dụng hơn 1,6 ha đất để sản xuất gạch men nhưng chưa được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định. Doanh nghiệp cũng sử dụng hơn 1.000 m2 khu tập thể nhưng không có trong phương án CPH, chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Năm 2005, Công ty Lương thực Sông Hồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được CPH thành Công ty CP Lương thực Sông Hồng. Năm 2007, Công ty CP Lương thực Sông Hồng chia tách, thành lập 3 công ty con gồm: CP Vinafood1 Hải Dương, CP Lương thực Sông Hồng và CP Lương thực Hưng Yên. Từ năm 2007, Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương sử dụng hơn 20 khu đất khác nhau tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Trước đây, các vị trí này được Nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất. Năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện công ty có 13 vị trí chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định; 3 vị trí không hoạt động, các công trình bỏ trống; 22 vị trí cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại mặt bằng, tài sản trên đất không đúng nội dung phương án CPH được duyệt. Sau khi có kết luận triểm tra, công ty đã phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng phương án sử dụng đất theo quy định. Đến nay vẫn còn một số vị trí chưa hoàn thành thủ tục để chuyển sang thuê đất.        

Qua tìm hiểu, còn nhiều doanh nghiệp khác sau khi CPH chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định như các Công ty CP: Cơ điện nông nghiệp Hải Dương, Chế tạo bơm Hải Dương, Truyền hình cáp HD, Dạy nghề giao thông vận tải Hải Dương…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 56 doanh nghiệp đã CPH do tỉnh quản lý đang sử dụng 397,66 ha đất và 15 doanh nghiệp CPH do trung ương quản lý, đang sử dụng 327,46 ha đất. Đa số các doanh nghiệp CPH có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, có thủ tục thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10 doanh nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, chưa chuyển sang thuê đất theo quy định. Còn có doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích; đầu tư xây dựng dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất...

Xử lý dây dưa

Các hạn chế, vi phạm trong quá trình sử dụng đất của một số doanh nghiệp sau CPH có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, các quy định của pháp luật về CPH doanh nghiệp nhà nước trước ngày 1.8.2007 đều không quy định doanh nghiệp được CPH phải có phương án sử dụng đất được phê duyệt. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thực hiện CPH trước ngày này không có phương án sử dụng đất hoặc có phương án nhưng nội dung sơ sài, không rõ mục đích cụ thể cho từng vị trí sử dụng. 

Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước về đất đai đối với các doanh nghiệp CPH nhiều năm trước chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các vị trí của doanh nghiệp nhà nước trước đây đều nằm gần hoặc sát trục đường chính, có lợi thế kinh doanh thương mại. Sau khi CPH, một số doanh nghiệp năng lực hạn chế, không phát huy hết hiệu quả nên cho đơn vị khác thuê lại. Đặc biệt, có trường hợp vi phạm đất đai của doanh nghiệp sau CPH đã được kết luận thanh tra chỉ rõ vi phạm và kiến nghị xử lý nhưng chính quyền địa phương chưa kịp thời thực hiện. Thậm chí còn để xảy ra vi phạm mới sau khi đã có kết luận sai phạm.

Điển hình như trường hợp vi phạm tại Công ty CP Cá giống Kinh Môn ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn). Sau khi tiến hành thanh tra đột xuất, tháng 9.2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kết luận, chỉ ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp. Công ty không có giải pháp sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh cá, lúa giống chất lượng cao theo phương án CPH được phê duyệt. Có biểu hiện chia nhỏ diện tích đất để giao lại cho một số người sử dụng kinh doanh trái pháp luật… Kết luận đã kiến nghị cụ thể các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Kinh Môn xử lý các tồn tại liên quan đến việc sử dụng đất tại đây. Tuy nhiên, đến nay phần lớn nội dung kiến nghị trong kết luận thanh tra, chỉ đạo của UBND tỉnh đều chưa được các cơ quan liên quan thực hiện triệt để, dẫn đến việc thu hồi đất vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại vị trí kiến nghị thu hồi còn tiếp tục phát sinh một số trường hợp xây dựng mới.

MINH HỒNG

(0) Bình luận
Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa vi phạm về đất