Doanh nghiệp trẻ tìm hướng đi mới để phát triển

13/10/2021 08:20

Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì việc làm cho người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát liên tục đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động

Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phá sản thì cũng có những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ nắm bắt được thời cơ, tìm ra hướng đi mới để phát triển.

Trong cái khó ló cái “khôn”

Công ty TNHH một thành viên Hoàng Phát (nay là Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát) ở cụm công nghiệp Việt Hòa (TP Hải Dương) được thành lập năm 2015, chuyên sản xuất trang phục bảo hộ lao động. Những năm đầu hoạt động, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất từ 600.000 - 700.000 bộ bảo hộ lao động để cung cấp cho gần 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản lượng sản xuất và số lượng khách hàng liên tục tăng nên đầu năm 2020, công ty này đã liên kết với một số doanh nghiệp khác để mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động.

Dịch Covid-19 ập đến làm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ đình trệ sản xuất. Trước thực tế này, thay vì chỉ sản xuất đồ bảo hộ lao động, công ty đã cải tạo, đầu tư dây chuyền sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến cuối năm 2020, công ty tiếp tục sản xuất thêm đồ bảo hộ y tế. Do phù hợp với nhu cầu thị trường nên ngay khi thay đổi chiến lược, lượng đơn đặt hàng liên tục tăng. Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 triệu đồ bảo hộ y tế cho gần 1.000 khách hàng.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp nhưng cũng như một “phép thử” để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, tìm ra hướng đi phù hợp với thực tế. Năm 2019, Công ty CP Sen Tím ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đầu tư khách sạn Purple Lotus với quy mô 51 phòng trên đường Trường Chinh (TP Hải Dương). Thời gian đầu đi vào hoạt động, khách đến lưu trú rất đông, số phòng có khách trung bình đạt 70 - 80%. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của khách sạn gần như “tê liệt”. Để duy trì hoạt động, công ty quyết định đăng ký đón khách đến cách ly y tế tại khách sạn. Tháng 5.2020, đoàn khách đầu tiên là chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Hải Dương đã cách ly tại  khách sạn. Từ đó đến nay, khách sạn Purple Lotus đã đón nhiều người là các chuyên gia, công dân Việt Nam từ nước ngoài về.

Khách sạn Purple Lotus đã quyết định đón khách cách ly y tế để phù hợp với tình hình thực tế

Đưa doanh nghiệp đi lên

Theo chị Hà Hương, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát, lúc đầu, lãnh đạo công ty chỉ nghĩ việc thay đổi sản xuất, tìm hướng đi mới để duy trì việc làm cho người lao động và giúp doanh nghiệp cầm cự qua đại dịch. Nhưng sản phẩm mới bảo đảm chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận nên càng đổi mới thì doanh nghiệp lại càng phát triển tốt hơn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Đăng Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sen Tím chia sẻ thời gian đầu thay đổi hoạt động kinh doanh, tâm lý của nhân viên rất lo lắng do chưa quen và sợ bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, sau nhiều lần được tập huấn và đón các đoàn tới cách ly, mọi người quen dần và nhiệt tình hơn trong công việc. “Nhờ thay đổi nên từ chỗ không có doanh thu thì hoạt động đón khách cách ly đã giúp doanh nghiệp bảo đảm được khoảng 60% chi phí, duy trì thu nhập cho người lao động. Dù không có trong dự tính ban đầu nhưng doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi cho phù hợp, chuyển hướng để duy trì hoạt động và phát triển”, ông Tam nói.

Cùng việc tìm hướng đi mới, nhiều doanh nghiệp trẻ cũng áp dụng các chiến lược kinh doanh khác nhau để duy trì nguồn doanh thu ổn định. Năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ xây dựng Vũ Gia ở xã Tân Việt (Thanh Hà) được thành lập trên cơ sở là hộ kinh doanh, chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm trụ cầu thang. Năm 2019, doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công dây chuyền sản xuất phụ kiện phòng tắm mang thương hiệu KDS. Hiện nay công ty là đơn vị sản xuất phụ kiện phòng tắm KDS độc quyền tại Việt Nam. Thời gian đầu, công ty chủ yếu phân phối cho một số đại lý tại các tỉnh miền Bắc, nhưng khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều đại lý bị phong tỏa, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm, công ty đã mở rộng đại lý phân phối ra 25 tỉnh, thành phố và phấn đấu đến năm 2025 sẽ có đại lý phân phối tại 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Anh Vũ Quang Được, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ xây dựng Vũ Gia chia sẻ: “Chúng tôi đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Công ty đã thành lập bộ phận marketing, khai thác tối đa nền tảng công nghệ thông tin nhằm kết nối, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn trong mùa dịch. Nhờ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, cải tiến bộ máy làm việc và nâng cao hiệu suất”.

Gần 2 năm qua, các đợt dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp, tiêu cực đến các doanh nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, với bản lĩnh đi đầu đổi mới, sáng tạo, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã “vững tay chèo”, đưa doanh nghiệp của mình vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển.

HOA LAN

Phát huy thế mạnh công nghệ thông tin trong bối cảnh mới

Thời gian qua, Hải Dương đã ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp có mức độ phục hồi nhanh, thậm chí tăng trưởng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đó là minh chứng cho sự thay đổi linh hoạt trong chiến lược kinh doanh để thích ứng đại dịch.

Một trong những sự thay đổi hiệu quả là ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng phần mềm quản lý điện tử, chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến.

Tôi nghĩ để doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới, thích ứng tốt hơn với bối cảnh của nền kinh tế mới hậu đại dịch, điều đầu tiên cần làm là nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Doanh nghiệp có thể tìm hiểu, nhận được sự tư vấn về giải pháp công nghệ từ bất kỳ đơn vị viễn thông nào. Về phía các đơn vị viễn thông, yêu cầu đặt ra là cần không ngừng nâng cấp, cập nhật những giải pháp, tiện ích sẵn có; nghiên cứu, xây dựng những giải pháp mới để phục vụ doanh nghiệp. Khi phát huy tốt thế mạnh của công nghệ thông tin, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực phát triển.

Thượng táLÊ HỒNG PHONG
Phó Giám đốc Giải pháp công nghệ thông tin,
Viettel Hải Dương


Đa dạng hóa sản phẩm

Thời gian qua, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là than bị đứt gãy, lao động ngoại tỉnh khó trở lại làm việc. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, công ty đã chủ động tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất. Ngoài sản phẩm xi măng truyền thống, công ty đã tung ra thị trường một số sản phẩm mới thân thiện môi trường như dòng bê tông thương phẩm Alfa có độ mác cao, chịu mặn tốt, ít co ngót nên phù hợp với cả các công trình dân dụng đến các công trình xây dựng lớn; các sản phẩm ống cống bê tông, gạch bê tông thế hệ mới. Việc có thêm nhiều sản phẩm mới giúp doanh nghiệp chủ động trong tiếp cận thị trường, ít phụ thuộc vào loại sản phẩm truyền thống. Do khó khăn trong khâu vận chuyển, doanh nghiệp đã chủ động thoả thuận với đối tác về thời gian giao hàng. Công ty cũng linh hoạt trong tăng sản lượng thông qua việc tăng ca sản xuất ở những thời điểm không đủ lao động do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.  

Khó khăn do dịch là rất rõ ràng. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp chủ động ứng phó, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, tìm ra những giải pháp phù hợp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn, duy trì công việc ổn định cho công nhân, tạo tiền đề bứt phá khi dịch được kiểm soát.

LÊ VĂN ĐỊNH
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Thành Công


Chủ động thích ứng

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Khi dịch bùng phát, hàng loạt đơn hàng xuất sang châu Âu, Mỹ của chúng tôi bị đình lại. Ngoài thiệt hại về kinh tế, nguy cơ mất thị trường trở thành nỗi lo chính vì vào được thị trường Mỹ và châu Âu là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong thời gian vừa qua.

Để vượt qua đại dịch, chúng tôi buộc phải thay đổi cách tiếp cận thị trường nhằm giữ chân khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài việc nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, chúng tôi đã chủ động giới thiệu sản phẩm, nhà xưởng, môi trường làm việc cho khách hàng mới thông qua môi trường mạng; đề xuất việc gặp gỡ đối tác, thương thảo, ký kết hợp đồng... bằng hình thức trực tuyến trên cơ sở niềm tin, uy tín đã được xây dựng trong thời gian dài. Nhờ cách thức này, khoảng cách về địa lý đã được xóa bỏ, chúng tôi đã cắt giảm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đối với việc đi lại, tiếp xúc khách hàng trong khi công việc vẫn tiến hành trôi chảy.

Theo tôi, khó khăn do dịch tác động xấu đến tất cả doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là người chủ doanh nghiệp phải bình tĩnh đánh giá, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp thực tiễn, nhìn ra cơ hội trong khó khăn để đưa doanh nghiệp tiếp tục vững bước đi lên.

CAO VĂN TUẤN
Giám đốc Công ty TNHH  Phú Sơn

(0) Bình luận
Doanh nghiệp trẻ tìm hướng đi mới để phát triển