Công nghiệp Gia Lộc tăng trưởng khá

24/11/2012 07:09

Năm nay, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở huyện Gia Lộc gặp nhiều khó khăn.



Năm nay, giá trị sản xuất lĩnh vực giày, dép da ở xã Hoàng Diệu ước đạt 72,3 tỷ đồng, tăng 1,25 lần so với năm 2011


Không ít doanh nghiệp, cơ sở phải sản xuất cầm chừng, thậm chí thua lỗ do khó tiếp cận vốn vay, thị trường thu hẹp, hàng tồn kho tăng. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gia Lộc, giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN trên địa bàn ước đạt 409,2 tỷ đồng, chỉ đạt 95,2% kế hoạch. 11 trong tổng số 12 sản phẩm công nghiệp, TTCN không đạt kế hoạch đề ra, chỉ có sản phẩm in và phô-tô đạt kế hoạch. Đặc biệt, sản phẩm phôi thép chỉ đạt 46,2% kế hoạch cả năm.

Tuy không đạt kế hoạch nhưng so với năm ngoái, sản xuất công nghiệp, TTCN ở huyện Gia Lộc vẫn có bước tăng trưởng khá tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN tăng 13,8% so với năm 2011 (năm 2011 tăng 17,9% so với 2010). Đa số các sản phẩm công nghiệp, TTCN đều có mức tăng 7,7-19% so với năm ngoái (trừ phôi thép). Các sản phẩm có mức tăng cao là: chế biến nông sản, thực phẩm tăng 19%, in và phô-tô 18%, đồ nội thất 17,8%, da và các sản phẩm có liên quan 17%, may mặc 16,8%. Từ đầu năm đến nay, một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất, đặc biệt với sản phẩm giày da, may mặc.

Sản phẩm giày, dép da ở huyện Gia Lộc sản xuất chủ yếu ở các làng nghề truyền thống thuộc xã Hoàng Diệu. Dịp cuối năm, nhiều cơ sở sản xuất giày, dép da phải huy động nhân lực, mở rộng sản xuất để chuẩn bị hàng bán Tết. Một số cơ sở không thuê được thợ làm. Do ăn nên làm ra, năm nay, anh Lê Hoàng Hà, một chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giày, dép ra ở thôn Phong Lâm mở thêm 1 cửa hàng bán sản phẩm mới có diện tích hơn 200 m2 ở ven quốc lộ 37. Anh Hà cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi đã bán gần 10 vạn đôi giày, dép da, tương đương với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng. Sở dĩ sản xuất, kinh doanh sản phẩm giày, da vẫn ổn định do đây là mặt hàng thiết yếu của cuộc sống. Mặt khác, phần lớn vốn cho sản xuất, kinh doanh là vốn tự có nên chúng tôi cũng đỡ khó khăn hơn".

Theo UBND xã Hoàng Diệu, năm nay, giá trị sản xuất từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giày, dép da ước đạt 72,3 tỷ đồng, tăng 1,25 lần so với năm 2011 và gấp 1,5 lần so với năm 2010. Xã có hơn 500 hộ dân làm nghề này, tăng hơn 70 hộ so với năm ngoái. Nghề làm giày, dép da đã tạo việc làm ổn định cho 1.460 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Ông Phạm Văn Mát, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới xã Hoàng Diệu cho biết: “Sản xuất, kinh doanh giày, da ở địa phương tiếp tục phát triển là do sự năng động của mỗi cơ sở, hộ sản xuất. Nhiều cơ sở tích cực cải tiến mẫu mã, chất lượng, quan tâm quảng bá sản phẩm nên tiêu thụ dễ dàng. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng có sự hỗ trợ về xây dựng đường giao thông, tổ chức các lớp dạy nghề, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm ở các hội chợ thương mại”.


Công ty TNHH Hai Vina (xã Gia Tân, Gia Lộc) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương


Năm nay, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm ở huyện Gia Lộc cũng có khởi sắc. Giá trị sản xuất của lĩnh vực này ước đạt 127,1 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2011, đạt 97,5% kế hoạch. Sản lượng các sản phẩm làm ra đều tăng so với năm ngoái. Cụ thể, xay xát gạo, ngô đạt gần 82 nghìn tấn, tăng 930 tấn; dưa chuột muối đạt gần 3.000 tấn, tăng gần 250 tấn; thức ăn gia súc đạt 2.720 tấn, tăng 242 tấn…

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, những nguyên nhân nào đã giúp công nghiệp, TTCN ở huyện Gia Lộc tăng trưởng? Trước hết, đó là nhờ sự cố gắng của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, từng hộ gia đình. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh, tích cực tìm kiếm thị trường, đổi mới chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng năng suất lao động. Ông Ngô Quý Đức, chủ cơ sở chế biến gạo Hải Đức (thị trấn Gia Lộc) cho biết: "Những năm trước, tôi thường mua gạo về tích trữ một thời gian rồi mới xuất bán. Năm nay, do thị trường có nhiều biến động nên tôi không tích trữ gạo nữa. Thay vào đó, căn cứ vào nhu cầu của khách hàng, tôi đặt mua gạo về chế biến, sau đó xuất bán luôn để bảo đảm lợi nhuận". Theo ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gia Lộc, các doanh nghiệp trên địa bàn đều thuộc loại vừa và nhỏ, thậm chí quy mô siêu nhỏ. Một khối lượng không nhỏ sản phẩm TTCN được sản xuất ở các hộ gia đình. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, một bộ phận doanh nghiệp, hộ dân sử dụng vốn tích lũy cá nhân, ít lệ thuộc vào vốn đi vay. Do vậy, họ vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng cho sản xuất. Hơn nữa, không ít sản phẩm công nghiệp, TTCN ở huyện Gia Lộc là các sản phẩm thiết yếu (nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc, giày, dép, đồ nội thất...) nên nhu cầu luôn ở mức cao. Chính những yếu tố đó cùng với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đã giúp hoạt động công nghiệp, TTCN có những chuyển biến khá tích cực.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghiệp Gia Lộc tăng trưởng khá