Một công nghệ bảo quản nông sản mới vừa được các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu thành công.
So với công nghệ bảo quản khác, công nghệ sấy bằng bơm nhiệt có ưu điểm là bảo tồn được các vitamin,
các hợp chất hữu cơ có ích của sản phẩm tươi; màu sắc, kích thước thương phẩm tốt hơn, đẹp hơn.
Công nghệ mới, giữ được màu sắc và hoạt chất của nông sản, thời gian sấy ngắn, ít tiêu hao năng lượng là lợi thế của công nghệ này.
Năm 2011, TS Vũ Huy Khuê, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các cộng sự bắt tay thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống sấy kết hợp sử dụng bơm nhiệt và công nghệ vi sóng để bảo quản một số loại nông sản, thực phẩm và dược liệu. Đây là một trong những nhiệm vụ của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Sau 5 năm thực hiện, TS Khuê và các cộng sự của mình đã thực hiện được các mục tiêu đề ra, không chỉ làm chủ công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam, được doanh nghiệp ứng dụng mà sản phẩm đầu ra vừa có chất lượng tốt, vừa giảm tiêu hao năng lượng nhiều. TS Khuê chia sẻ, đây là công nghệ lai ghép giữa hai công nghệ bảo quản nông sản hiện đại trên thế giới là công nghệ sấy bằng bơm nhiệt và công nghệ sấy bằng vi sóng.
So với công nghệ bảo quản khác, công nghệ sấy bằng bơm nhiệt có ưu điểm là bảo tồn được các vitamin, các hợp chất hữu cơ có ích của sản phẩm tươi; màu sắc, kích thước thương phẩm tốt hơn, đẹp hơn các phương pháp sấy nóng khác. So với phương pháp bảo quản lạnh thì chi phí thấp và ít tiêu hao năng lượng. Khi kết hợp công nghệ này với công nghệ vi sóng sẽ rút ngắn thời gian sấy cũng như đạt được độ ẩm cân bằng cuối quá trình sấy, giúp sản phẩm sấy có những ưu việt vượt trội mà tất cả phương pháp sấy nóng và sấy lạnh khác không đạt được.
TS Khuê giải thích rõ hơn, kết hợp (lai ghép) công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp bằng bơm nhiệt kết hợp với vi sóng cho phép giữ nguyên được các ưu điểm của hai công nghệ sấy, đồng thời rút ngắn thời gian sấy (ưu điểm sấy vi sóng), tăng chất lượng sản phẩm của quá trình sấy (ưu điểm sấy ở nhiệt độ thấp bằng bơm nhiệt). Hơn nữa công nghệ lai ghép này cho phép tiết kiệm một lượng năng lượng đáng kể so với việc sử dụng riêng biệt từng công nghệ như thời gian sấy còn khoảng một nửa so với sấy bằng bơm nhiệt thuần túy, giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ tới 30-40% đồng thời cho phép sấy được các vật liệu có vỏ dày và kích thước dày. Đây cũng là phương pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam. Trước đó, chưa cá nhân hay đơn vị nào chế tạo thành công.
TS Khuê cho biết thêm, trên thế giới, xu hướng nghiên cứu kết hợp sấy bằng bơm nhiệt với hệ thống phát vi sóng diễn ra mạnh mẽ. Đây được coi là phương án khả thi nhất để bảo quản nông sản.
Công ty CPTM Dược vật tư y tế Khải Hà ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình là đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ mới này vào bảo quản dược liệu. Ông Lã Quý Hoàng, phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết, trong các đợt sấy thử nghiệm bằng công nghệ mới, công ty nhận thấy có nhiều ưu điểm so với công nghệ đang sử dụng. Thứ nhất, dược liệu giữ được màu sắc, hoạt chất sau khi sấy, hai là thời gian sấy ngắn, ba là tiêu hao điện năng ít hơn.
GS.TSKH Trần Văn Phú, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu cho biết: “Đây là công nghệ sấy mới, có nhiều khả năng ứng dụng trong thực tế, rất thích hợp với việc bảo quản sản phẩm quý hiếm như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo”.
Theo Tiền phong