“Cổng làng”- bức tranh chân thực về nông thôn mới

27/08/2013 14:07


Tôi đọc “Cổng làng” của tác giả Nguyễn Thanh Cải giữa những ngày nắng nóng 35-37 độ, nhưng nhiều lúc vẫn thấy cái nóng của tiết trời không thấm gì cái “nóng” trong tiểu thuyết Nguyễn Thanh Cải đặt ra. Không những thế, cái “nóng” trong “Cổng làng” lại toàn là những cái “nóng” sát sườn đến cuộc sống người nông dân Hưng Thái, một xã hầu như thuần nông, không có nghề gì ngoài nghề “vắt đất” ra lúa, khoai, vải, cói, và cả rươi nữa. Dẫu cái con vật nhỏ nhoi chui từ đất lên ấy mỗi năm chỉ xuất hiện một, hai lần vào kỳ con nước, “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”, nhưng lại mang lại nguồn lợi mà không ai ở Hưng Thái nỡ bỏ, vì “một thúng rươi bằng mười thúng thóc”. Thế nên có năm, xã viên đội Năm có bãi bên sông, tự xẻ đê cho nước “đài hai” ngoài sông vào đồng, mà nước “đài hai” vào càng nhiều cũng đồng nghĩa với rươi lên càng nhiều, vì cái giống rươi rất hợp với loại nước mặn không ra mặn, nhạt không ra nhạt ấy. Nhưng ác một nỗi, mùa rươi lại trùng vào mùa lúa tháng mười, nên tháo nước “đài hai” vào đồng để lấy rươi, cũng có nghĩa là để người lấy rươi phá nát đồng lúa đang kỳ chín rộ. Biết vậy, nhưng vì cái lợi trước mắt nên cán bộ đội Năm vẫn cho dân tháo nước vào đồng để vớt được nhiều rươi, bán được nhiều tiền. Mà một khi mỗi công lao động xã viên chỉ được hai, ba lạng thóc ướt, thì việc vớt rươi bán lấy tiền ngay là quá hấp dẫn không chỉ với dân, mà với cả cán bộ đội Năm và xã Hưng Thái. Một việc tưởng nhỏ, nhưng lại không nhỏ, vì đã dai dẳng suốt bao nhiêu năm từ thời hợp tác xã dong công phóng điểm, rồi giao ruộng khoán cho nông dân, đến tận thời kinh tế thị trường, xây dựng nông thôn mới, thì con rươi vẫn là bài toán không có lời giải ở Hưng Thái. Đây là hình tượng mà có lẽ Nguyễn Thanh Cải dụng công khắc họa, để qua đó lưu ý người đọc, rộng ra là các nhà hoạch định chính sách và quản lý nông nghiệp, nông thôn, nghĩ gì thì nghĩ, làm gì thì làm nhưng đừng quên tâm lý cố hữu của người nông dân là lợi ích thiết thực. Chỉ khi nào người nông dân nhìn thấy ích lợi thực sự đến với họ, thì dù khó thế chứ khó nữa họ vẫn làm, vẫn theo; còn không, nói thế chứ nói nữa họ cũng không theo, không làm, hoặc làm cầm chừng như thời “hợp tác xã là nhà”.

Bên cạnh con rươi, thì cái cổng làng cũng là hình tượng được Nguyễn Thanh Cải dụng công xây dựng. Và đi liền với cổng làng, gắn bó máu thịt với cổng làng là cụ Viễn, người mà năm đói 1945 tưởng chết, vứt ra cổng làng, nhưng may được dân làng “nhặt” lên, đưa về cưu mang, để cụ Viễn trở thành “nhân chứng sống” của Hưng Thái, chứng kiến bao biến cố vui buồn, thành công, thất bại của làng suốt mấy mươi năm qua. Với những người như cụ Viễn, ngỡ như có thể phá bỏ cái gì ở làng thì phá, chứ không được phá cổng làng. Vậy nhưng, khi ở Hưng Thái đã hình thành sự liên kết không chỉ trong thôn xã, mà rộng ra cả trong nước và quốc tế, với sự ra đời khu công nghiệp liên doanh Việt - Hàn ngay trên cánh Đồng Cao rộng hàng trăm héc-ta, thì lại chính cụ Viễn đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn cái cổng làng, rộng ra là con đường đi lên của nông dân, nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Cái cổng này chứng kiến bao chuyện của làng, qua lại hơn nửa thế kỷ rồi. Và tôi cũng chứng kiến bao nhiêu năm rồi. Nhưng tôi cũng phải biết tôi, và cái cổng này cũng phải biết thân phận của nó. Các bác nhìn xe đang vào kia kìa, công nghiệp hóa đấy. Xe không vào được thì hỏng. Tiếc cái cổng làng thì hỏng sự nghiệp. Cái gì cũng có tính lịch sử của nó”.

Với gần 350 trang sách, tiểu thuyết “Cổng làng” đặt ra khá nhiều vấn đề, mà phần nhiều lại toàn vấn đề “nóng”, từ giao ruộng khoán, sử dụng đất, phương hướng sản xuất cây, con, ngành nghề đến xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa nông thôn, gắn sản xuất nông sản hàng hóa với thị trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, rồi sắp xếp, bố trí cán bộ trong khu vực nông thôn… đều được tác giả “khơi ra” với những thang bậc đậm nhạt khác nhau. Cũng chính ở đây vừa bộc lộ khả năng nhìn nhận, phát hiện vấn đề trong “tam nông” của tác giả, đồng thời cũng bộc lộ năng lực khái quát, cô đúc, “điển hình hóa nhân vật” của tác giả còn có mặt hạn chế. Mặt khác, tác giả cũng chưa chú trọng khắc họa hoàn cảnh, số phận, tính cách nhân vật cho rõ nét, góc cạnh, mà Đức, Dũng, rồi Nhật Minh… là ví dụ. Ngay ở nhân vật cụ Viễn, lão Khủng, rồi Chút, Hấn cũng mới dừng lại ở hoàn cảnh, chứ chưa có nét cá tính gây ấn tượng cho người đọc. Nếu tác giả đừng tham lam, ôm đồm, dồn nén, cô đúc hơn và bớt đi lối viết trần thuật mang đậm chất báo chí, thì tác phẩm sẽ hấp dẫn hơn.   

Dẫu vậy, “Cổng làng” vẫn là bức tranh chân thực về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ mới, một bước tiến của Nguyễn Thanh Cải trên con đường sáng tác văn chương.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Cổng làng”- bức tranh chân thực về nông thôn mới