Trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn sóng đô thị hóa, làm sao để níu giữ được những nét bản sắc đẹp đẽ của cổng làng?
Theo quan niệm truyền thống, cổng làng là bộ mặt, là hồn cốt, biểu tượng cho nếp sống, cốt cách của người dân sống trong làng. Cổng làng xuất hiện gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng.
Trong tâm thức của người xưa, cổng làng luôn có một chỗ đứng quan trọng. Nhà cửa trong làng có thể tuyềnh toàng, cuộc sống có thể còn lam lũ, khó khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn, đàng hoàng. Kiến trúc cổ truyền thống của chiếc cổng làng thường được mô phỏng những ngôi tam quan của đình, chùa xưa. Cổng thường có một cửa chính, hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Cũng có không ít làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền thường hướng về phía đông nam, hướng của mặt trời mọc, hướng của gió lành, thể hiện ước vọng hướng tới sự sinh sôi, tươi tốt. Còn cổng hậu, thường hướng ra phía tây, hướng mặt trời lặn nhằm tiễn đưa những sự u sầu, không may.
Tuy vậy, không phải ở đâu, cổng làng cũng có đủ một cửa chính, hai cửa phụ và được xây dựng bề thế. Ở những làng quê nghèo, người dân quanh năm lam lũ mà cuộc sống vẫn khốn khó, cổng làng thường rất mộc mạc. Một tấm xà bằng gỗ được đặt cẩn thận trên hai bên trụ, không màu mè, không một nét vẽ rồng, phượng, thậm chí không có cả một nét chữ khắc tên làng. Nhưng chính những chiếc cổng đơn sơ, bình dị ấy lại trở nên thân thương, gần gũi với biết bao người.
Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của biết bao lớp người dân quê.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, nét đẹp của những chiếc cổng làng truyền thống đang bị mai một dần. Hình ảnh của những chiếc tam quan cổ kính dần lùi vào ký ức xa xăm của lớp người cao tuổi. Thay vào đó là những chiếc cổng chào bằng bê -tông cốt thép, thoạt nhìn có vẻ bề thế, có khi còn được tô điểm bằng những hình vẽ, hoa văn “rồng chầu, hổ phục”, câu đối ở hai bên cho có vẻ cổ kính nhưng nhìn kỹ thì lại thấy lạc lõng, vô hồn.
Ở một số nơi, để có được danh hiệu làng văn hóa, lãnh đạo địa phương đã vận động người dân đóng góp kinh phí với mức thu không phải ít để xây những chiếc cổng chào lớn được trang trí những hoa văn cầu kỳ. Không ít cổng chào hiện nay đang mất dần đi dáng vẻ thuần Việt, thay vào đó là những nét kiến trúc chướng mắt, lai căng. Để được cho là “chơi sang”, “đẳng cấp”, một số cổng chào còn được gắn bảng điện tử với những dòng chữ: “Wellcome to…” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm...
Trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn sóng đô thị hóa, làm sao để níu giữ được những nét bản sắc đẹp đẽ trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê nói chung, chiếc cổng làng nói riêng là nỗi niềm đau đáu của nhiều người.
NGUYỄN VĂN THANH(Cẩm Giàng)