Cống hiến thầm lặng của người điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng

01/05/2020 15:15

Trong đội ngũ của những “người lính” trên mặt trận thông tin của đơn vị đặc biệt này, bên cạnh những phóng viên, biên tập viên còn có những cán bộ kỹ thuật, những điện báo viên.

Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng điện tin từ mặt trận về căn cứ. (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thông tấn xã Giải phóng - Cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ thông tin, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh của đồng bào Nam Bộ, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng ở khắp các địa phương Nam Bộ trước năm 1975...

Trong đội ngũ của những “người lính” trên mặt trận thông tin của đơn vị đặc biệt này, bên cạnh những phóng viên, biên tập viên còn có những cán bộ kỹ thuật, những điện báo viên.

Họ chính là những người đảm nhiệm việc thu, phát những dòng thông tin kịp thời, chính xác nhất đến các địa chỉ trong điều kiện hết sức thiếu thốn, gian khổ và cả hiểm nguy.

Lặng thầm sau những dòng tin, các điện báo viên, kỹ thuật viên đã có nhiều đóng góp vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Thông tấn xã Giải phóng.

Những năm tháng hào hùng

Thông tấn xã Giải phóng được thành lập ngày 12.10.1960 tại khu rừng Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh.

Một trong những người thuộc lứa điện báo viên đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng ngày ấy là ông Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều, sinh năm 1937) - nguyên điện báo viên, nguyên Phó Văn phòng Thông tấn xã Giải phóng, nguyên Trưởng phòng Hành chính và Trưởng phòng Phát hành, Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực phía Nam.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, ông Tư Thiều lại nhớ về những năm tháng hào hùng mà ông cùng đồng nghiệp đã trải qua, những kỷ niệm gắn với công việc điện báo viên và những công tác hậu cần khác để góp sức duy trì mạch máu thông tin trong những năm tháng kháng chiến ác liệt.

Cuối năm 1960 khi mới 23 tuổi, là một thanh niên yêu nước ở quê hương đất thép Củ Chi, ông đã cùng một số thanh niên địa phương đi làm giao liên, tiêu diệt ác ôn.

Sau "sự kiện” tiêu diệt một tên ác ôn tại địa phương bằng chính súng cướp được của hắn, ông Tư Thiều đã thoát ly, đi làm giao liên ở Phú Hòa, Gia Định (TP Hồ Chí Minh hôm nay) và đã gặp đồng chí Trần Bạch Đằng, lúc đó ở Ban Tuyên giáo Xứ ủy Nam Bộ về tuyển người cho Thông tấn xã Giải phóng, ông cùng một số thanh niên yêu nước đã được đưa vào chiến khu ở Tây Ninh, bắt đầu gắn bó với Thông tấn xã Giải phóng.

Trong cuốn sách “Tiếp bước truyền thống vẻ vang” của Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, khi đề cập về sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng còn ghi: “Thông tấn xã Giải phóng lúc bấy giờ do đồng chí Tân Đức phụ trách, chỉ là một đơn vị kỹ thuật truyền tin với khoảng 10 người, trong đó có một số cán bộ và thanh niên yêu nước đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ như các đồng chí: Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều), Phùng Văn Dựng (Hai Dựng), Đặng Văn Song, Võ Văn Khuê, Trương Văn Phia, Trần Văn Ấn... Đơn vị này trực thuộc lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Xứ ủy trong đó có các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phan Văn Đáng (Hai Văn), Trần Bạch Đằng (Năm Quang), Nguyễn Văn Hiếu (Tư Châu) và đồng chí Dũng (Tư ốm).”

Ông Tư Thiều chia sẻ ngày ấy, để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn ở căn cứ, không có cách nào khác, những điện báo viên-cán bộ kỹ thuật như ông phải nỗ lực hết mình.

Khi vào Thông tấn xã Giải phóng, ông mới học hết lớp 6, vậy là cùng với việc học chuyên môn điện báo, ông còn được cơ quan tạo điều kiện học bổ túc văn hóa.

Ông nói, công việc của người điện báo viên cơ quan báo chí giai đoạn đó rất nguy hiểm vì gắn với tín hiệu, máy móc thu phát thông tin, nên việc đảm bảo giữ bí mật, an toàn rất được ưu tiên.

Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cán bộ trong cơ quan ở từng vị trí như người làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ, quan sát từ trên cao, người khẩn trương quay máy phát điện, người thu-phát thông tin sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Cong hien tham lang cua nguoi dien bao vien Thong tan xa Giai phong hinh anh 2

Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. (Ảnh: TTXVN)

Thời đó, với chiếc máy phát điện quay tay (gọi là máy ragono), cán bộ kỹ thuật, điện báo viên phải quay máy bằng tay rất vất vả để có được dòng điện thu-phát thông tin. Vì vậy, một bản tin chỉ cần dài 400-500 chữ cũng khiến người quay ragono mỏi nhừ đôi tay vì phải quay liên tục.

Ông Tư Thiều và đồng nghiệp khi đó đã có sáng kiến chế thêm giá đỡ, chỗ ngồi và tay nắm phía trên để chuyển máy sang đạp bằng chân, vừa đỡ tốn sức, đỡ mỏi, vừa có dòng điện ổn định hơn.

Những tháng ngày mới vào chiến khu, học phát tín hiệu morse, chỉ có một máy phát tín hiệu morse (máy ma-níp), do vậy để có thể có đủ máy cho các học viên như ông tập ngồi, tập phát tín hiệu, ông Tư Thiều cùng đồng nghiệp đã lấy cây rừng đẽo gọt làm ma-nip mô hình. Không có lò xo thép, anh em dùng dây thun cao su thay thế chức năng đàn hồi của lò xo cho máy mô phỏng.

Chính trên “những chiếc ma-níp gỗ” này, các điện báo viên tập sự đã tranh thủ luyện tập, gõ cho quen tay, nhanh, đều để không bị sai tín hiệu, nhanh chóng trở thành những điện báo viên thành thạo công việc.

Ông nói bây giờ nghe thì đơn giản nhưng thực sự lúc đó, ở trong rừng, dụng cụ không có, ông và đồng nghiệp phải đi tìm, mượn cưa, đục của dân để đẽo, tiện rất tỉ mỉ, công phu.

Nhớ về những tháng ngày ở căn cứ, ông Tư Thiều không bao giờ quên kỷ niệm của thuở ban đầu vừa làm vừa “mò mẫm” tìm hiểu các thiết bị, máy móc. Có lần để thử điện ở chiếc máy phát 15W "huyền thoại," do không có dụng cụ hay đồng hồ điện để kiểm tra, ông đã liều lấy chính ngón tay mình rờ vào máy để kiểm tra xem có điện hay chưa. Điện giật, ông bị ngã bật ngửa người ra, mọi người hốt hoảng hét lên “chết Tư Thiều rồi!”

Trong 15 năm Thông tấn xã Giải phóng ở chiến khu, ông Tư Thiều và đồng nghiệp đã trải qua rất nhiều lần hành quân, di chuyển trụ sở Thông tấn xã Giải phóng để đảm bảo an toàn, qua nhiều địa điểm khác nhau như Khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), chiến khu Mã Đà (Đồng Nai), Tân Biên (Tây Ninh)...

Trên đường hành quân để đảm bảo cho dòng thông tin không bị đứt đoạn, khi đến giờ thu-phát tin, mọi người lại dừng lại, đặt máy, thu phát thật khẩn trương rồi sau đó nhanh chóng thu dọn, tiếp tục khiêng vác máy phát, dụng cụ lỉnh kỉnh để kịp hành quân.

45 năm đã trôi qua nhưng ông Tư Thiều vẫn nhớ mãi khoảnh khắc đón nhận tin chiến thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng vào trưa 30.4.1975, tại trụ sở của Thông tấn xã Giải phóng ở Tân Biên (Tây Ninh).

Lúc đó là Phó Văn phòng Thông tấn xã Giải phóng, ông được phân công nhiệm vụ cùng với một số anh em ở lại chiến khu, bảo vệ trụ sở, thiết bị máy móc đảm bảo an toàn, tránh bị kẻ địch tìm cách nhân cơ hội tấn công, chiếm giữ. Giây phút đó, nghe tin Sài Gòn đã giải phóng, mọi người ôm chầm lấy nhau miệng cười mà nước mắt cứ giàn giụa vì hạnh phúc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tư Thiều luôn khẳng định, những năm tháng chiến tranh, dù khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy, nhưng ông may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh mãi mãi, không được sống trong hòa bình, thống nhất hôm nay.

Thành tích của cơ quan Thông tấn xã Giải phóng là sự cố gắng, nỗ lực, cống hiến và hy sinh của cả tập thể lớn. Tự hào được là một cán bộ thông tấn, trong thời chiến ở Thông tấn xã Giải phóng, hay trong hòa bình, trở về Thành phố Hồ Chí Minh công tác tại Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam, ông luôn nỗ lực hết mình với công việc được giao.

Còn sức khỏe còn đi làm từ thiện

Đến thăm ông Tư Thiều, đảng viên 46 năm tuổi Đảng, người cựu điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng năm nào hiện ở tại ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi càng thêm cảm phục và xúc động khi được biết suốt nhiều năm qua, kể từ khi về hưu vào năm 1997, ông luôn tích cực đóng góp cả về vật chất và tinh thần, kết nối, huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm để chăm lo, hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Thấy những người còn gặp khó khăn trong cuộc sống được nhận những suất quà nhỏ dịp Tết hay về ở trong những căn Nhà tình thương, Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội mà mình đóng góp chút kinh phí, hay đi liên hệ, kết nối với các nhà hảo tâm, ông thấy mình hạnh phúc hơn, vui khỏe hơn.

Để việc hỗ trợ được đúng đối tượng, ông luôn chủ động đề xuất với chính quyền xã An Nhơn Tây cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện, đảm bảo chu đáo, đúng địa chỉ, thực sự là những món quà tình nghĩa, ấm lòng cả người trao và người nhận.

Ông Nguyễn Văn Nhiện, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi cho biết ông Tư Thiều và gia đình đã nhận được rất nhiều Giấy khen của Đảng bộ huyện, xã về công tác Dân vận khéo, thực hiện tốt cuộc vận động Vì người nghèo, tham gia công tác khuyến học, đóng góp giúp đỡ người neo đơn...

Mỗi năm, từ danh sách các trường hợp mà Ủy ban Nhân dân xã cung cấp, ông và gia đình đã đóng góp, kết nối, huy động thêm những đóng góp của các nhà hảo tâm để trao ít nhất là 150 suất quà vào dịp Tết cổ truyền cho những gia đình khó khăn.

Trong suốt 11 năm qua, ông Tư Thiều đã đóng góp và vận động các nguồn kinh phí để xây dựng hàng chục ngôi Nhà tình thương, Nhà tình nghĩa ở địa phương.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Cống hiến thầm lặng của người điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng