Luật pháp đã cho phép nhưng tổ chức công đoàn cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn khi cán bộ công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp hầu hết là kiêm nhiệm...
Công đoàn thực hiện tốt chức năng khởi kiện sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động
Là tổ chức đại diện cho người lao động (NLĐ) nên công đoàn có chức năng khởi kiện về các tranh chấp lao động. Liệu đây có phải là một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong thời gian tới?
Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam mới ban hành Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ hướng dẫn công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể. Theo đó, những tranh chấp lao động mà công đoàn có quyền khởi kiện tại tòa án bao gồm rất nhiều lĩnh vực tập trung vào việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Một số tranh chấp khi khởi kiện không bắt buộc phải qua khâu hòa giải như: tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về BHXH; tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Điểm mới và đáng chú ý của hướng dẫn này là tầm quan trọng của công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện các vụ án lao động khi được NLĐ ủy quyền; có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể NLĐ; có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về BHXH, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động khác hoặc ủy quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên theo quy định. Ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên cơ sở có quyền khởi kiện khi xảy ra tranh chấp hoặc được NLĐ, tập thể NLĐ ủy quyền.
Hiện nay, nhiều vụ tranh chấp về lao động vẫn xảy ra. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ đình công với gần 3.000 công nhân lao động. Số tiền nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp tính đến hết tháng 11-2016 vào khoảng 129 tỷ đồng. Trước đó, ở tỉnh ta cũng xảy ra một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ như Công ty TNHH Tháp UBI (Kim Thành) nợ lương của NLĐ lên đến hơn 14 tỷ đồng trong một thời gian dài. Suốt từ năm 2010 đến nay, NLĐ Công ty TNHH Tadlack Production (Cẩm Giàng) nhiều lần tổ chức đình công vì bị công ty vi phạm quyền lợi.
Việc can thiệp đối với những vi phạm trên vẫn còn nhiều hạn chế. Trước đây, chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH thuộc về ngành BHXH và đã có một số kết quả tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, BHXH tỉnh cũng thừa nhận việc giám sát thực hiện các quyết định của tòa án về thỏa thuận thời gian trả nợ của doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Còn nhiều doanh nghiệp kể từ khi có phán quyết của toà án tới nay vẫn chưa trả nợ cho cơ quan BHXH. Có những đơn vị cố tình trốn tránh nên quá trình khởi kiện lại gặp vướng mắc. Điển hình như việc khởi kiện Công ty CP Cửu Long ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) kéo dài hàng năm trời vì không thể hoàn thiện hồ sơ do vướng mắc từ công ty mẹ ở Hà Nội. Mặc dù đã bị cơ quan chức năng có hình thức xử phạt nhưng việc trả tiền lương nợ đọng cho NLĐ ở Công ty TNHH Tháp UBI vẫn chậm trễ, nhỏ giọt.
Với chức năng khởi kiện về các tranh chấp lao động cá nhân, tập thể, công đoàn có thể can thiệp sâu để hạn chế tối đa những sự việc như trên. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tập huấn hướng dẫn công đoàn khởi kiện doanh nghiệp cho tất cả cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn tỉnh; ký quy chế phối hợp với BHXH tỉnh về việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. LĐLĐ tỉnh cũng đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện một số doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền lớn vào năm 2017.
Bà Tống Thị Thoa, cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật (LĐLĐ tỉnh) khẳng định, công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ nên chắc chắn việc khởi kiện sẽ đạt hiệu quả cao bởi công đoàn sẽ làm mọi cách để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Một ưu điểm nữa là công đoàn cơ sở sẽ chủ động để giám sát việc thực thi các quyết định của tòa án từ phía doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng chây ỳ trong thực thi quyết định của cơ quan chức năng đối với những doanh nghiệp vi phạm.
Tuy nhiên, để thực hiện chức năng khởi kiện, tổ chức công đoàn cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất là các cán bộ công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp hầu hết là kiêm nhiệm. Khi phát hiện những sai phạm, liệu công đoàn cơ sở có dám khởi kiện doanh nghiệp? Hướng giải quyết tốt nhất là các cán bộ công đoàn cơ sở khi phát hiện sai phạm cần báo cáo với công đoàn cấp trên xem xét, giải quyết. Trong trường hợp cần thiết có thể ủy quyền để công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
PV