Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVC, LĐ) là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn...
Thực tế cho thấy, do có mâu thuẫn về lợi ích nên trong nhiều doanh nghiệp thường xuyên xảy ra vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động với người sử dụng lao động. Những vấn đề cụ thể ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thường khác nhau nhưng tập trung vào một số vi phạm như: trả lương thấp không tương xứng với công sức, trí tuệ của người lao động, kéo dài thời hạn hoặc không nâng lương; không ký hợp đồng lao động, không trả trợ cấp khi thôi việc, mất việc làm; điều kiện làm việc của công nhân không được bảo đảm, xây dựng thang bảng lương không phù hợp; tăng ca vượt quá mức quy định, không được tham gia bảo hiểm xã hội; không tạo điều kiện thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) hoặc hạn chế hoạt động của CĐCS...
Những vi phạm trên chính là những nguyên nhân dẫn tới việc nhiều người lao động bỏ việc, "nhảy" việc từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác có chế độ đãi ngộ cao hơn hoặc người lao động tự tổ chức các cuộc đình công, dừng việc tập thể. Có thời điểm xảy ra "hội chứng" đình công dẫn đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thiệt hại cho cả người sử dụng lao động và người lao động.
Để hạn chế những vụ tranh chấp lao động, những vụ đình công tự phát, giải quyết một cách chính đáng và công bằng, các ngành chức năng, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhưng hiệu quả thực tế của các giải pháp này chưa cao. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 7 vụ đình công (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có những vụ người lao động đình công đòi hỏi quyền, lợi ích chính đáng của mình; có vụ người lao động đòi chủ doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn... Do đó, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn không để cho đình công tự phát xảy ra.
Để làm được điều này, vai trò hoạt động của tổ chức CĐCS tại doanh nghiệp cần được phát huy. Các CĐCS cần phát huy vai trò của mình trong việc vừa động viên công nhân lao động hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, vừa phát triển phong trào văn hóa văn nghệ. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến người lao động, đến hoạt động công đoàn tới người lao động thông qua các hình thức thực tế, phong phú, không làm mất nhiều thời gian của người lao động và người sử dụng lao động, như phát tờ rơi, tài liệu bỏ túi; đưa các nội dung tài liệu pháp luật vào sinh hoạt tổ công đoàn... để người lao động nắm rõ. Tích cực tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các chính sách chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Từ đó, tạo được sự thân thiện giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; kiểm tra cụ thể việc thi hành pháp luật lao động và Luật Công đoàn. Tích cực tham gia soạn thảo sửa đổi pháp luật để có điều luật, có chế tài áp dụng. Các cấp công đoàn cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ CĐCS hiểu biết pháp luật, biết cách tham gia, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Có các biện pháp tổng kết, thông tin, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong hệ thống cán bộ công đoàn để hoạt động công đoàn ngày càng hiệu quả.
VŨ DANH