“Cuộc chiến” chống chọi với giá cả leo thang đang len lỏi vào đời sống sinh hoạt của từng gia đình. Những người làm công ăn lương nằm trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm này.
Bà Thủy, cán bộ về hưu ở khu 10, phường Bình Hàn (TP Hải Dương)
tranh thủ bán quần áo vào buổi tối để thêm thu nhập
Mặc dù đã lường trước những hệ lụy từ việc tăng giá xăng, điện, song đại bộ phận công chức đều cảm thấy bị "sốc" trước sức ép từ việc các loại hàng hóa thiết yếu tăng giá một cách chóng mặt. Sức ép đó ngày càng lớn và đang đè nặng lên đồng lương ít ỏi của những người làm công ăn lương.
Làm thêm ngoài giờĐứng trên bục giảng gần 10 năm, anh Phạm Văn Nam ở xã Thanh Lang (Thanh Hà), giáo viên ở một trường THPT có tổng thu nhập từ lương và phụ cấp gần 3 triệu đồng/tháng. Vợ anh là công chức huyện, thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Với hai vợ chồng và một con nhỏ trong khi các mặt hàng đều tăng như hiện nay, mỗi tháng, gia đình anh Nam chi tiêu gần hết số lương của cả hai vợ chồng, đó là chưa kể các khoản chi tiêu “bất thường” như hiếu, hỷ, đau ốm... Việc chi đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải đối với những người làm công ăn lương như vợ chồng anh Nam. Anh Nam cho biết: "Để tăng thêm thu nhập, tôi phải tìm việc làm thêm ngoài giờ lên lớp". Vốn có tay nghề, anh xin làm cùng nhóm thợ chuyên làm điện, nước cho các công trình nhà nước (chỉ làm những công trình về đêm). "Làm nghề này tuy vất vả, chủ yếu làm đêm để không ảnh hưởng đến các cơ quan làm việc, nhưng thu nhập được khoảng 200 nghìn đồng/đêm. Có khoản tiền này, tôi mua ngay phần "cứng" như gạo, mắm, muối từ đầu tháng. Phần còn lại được dè sẻn chi tiêu cho cả tháng với đủ các khoản như ma chay, cưới hỏi, thức ăn, điện nước, thuốc men...", anh Nam cho biết thêm.
Bắt đầu từ 6 giờ chiều hằng ngày, sau khi hết giờ làm việc ở cơ quan, anh Phạm Hồng Quang (nhân viên văn phòng của một sở) ở khu tập thể May I (TP Hải Dương) lại một mình tự bồng bế, tắm giặt, chăm sóc đứa con nhỏ mới 8 tháng tuổi đồng thời kèm con lớn đang học lớp 2 học bài. Chị Hương, vợ anh, công tác cùng cơ quan thì nhanh chóng chằng lô quần áo lên xe đạp mang ra chợ Kho Đỏ bán vào buổi tối. Công việc bán hàng tuy không vất vả, nhưng thường kết thúc vào khoảng 11 giờ đêm. Mỗi tối bán hàng đem lại cho vợ chồng chị Hương khoản thu nhập khoảng 120-150 nghìn đồng, đủ để cả gia đình vơi đi nỗi lo rau dưa, mắm muối, gạo, điện nước... Phần lương hơn 5 triệu đồng của 2 vợ chồng được sử dụng trả công cho người trông con nhỏ, tiền học cho con lớn và mọi chi phí phát sinh trong và ngoài gia đình. Nhiều khi chị tự hỏi là liệu làm cách này mãi có thể trụ được không, khi mà bọn trẻ ngày một lớn, rồi học lên cấp 3, thi vào học đại học... Thời gian tới, tuy lương sẽ tăng nhưng thực chất là đời sống không tăng vì chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, mọi mặt hàng thiết yếu sinh hoạt hằng ngày còn tăng nhanh hơn cả lương. "Gia đình tôi thậm chí chưa bao giờ dám "đổi không khí" ra ngoài ăn chung một bữa tối vì chi phí quá đắt, bản thân tôi cũng không ăn sáng bên ngoài mà thường dậy sớm, nấu nướng cho cả gia đình ăn rồi đi làm", chị Hương thành thật chia sẻ.
Vợ kiêm ô-sinHơn hai tháng liên tục bị "thâm hụt ngân sách", vợ chồng chị Bùi Thị Hà ở khu 15, phường Quang Trung (TP Hải Dương) đã phải ngồi tính toán lại các khoản chi phí hằng ngày. Cái gì cần, cái gì không cần đều được kê ra đầy đủ và rõ ràng. Chị tâm sự, giờ ra chợ hỏi cái gì cũng thấy tăng giá hơn mọi ngày. Mọi khi cầm hơn 100 nghìn đi chợ là có thể mua sắm khá tươm cho bữa cơm gia đình thì nay chẳng thấm vào đâu. Hằng tháng, tiền thuê người giúp việc hết 1,5 triệu đồng, thuê xe đưa, đón con lớn đi học cũng hết 300 nghìn đồng, mua sữa cho con nhỏ khoảng 1,5 triệu đồng. Cùng với đó là tiền sinh hoạt hằng ngày, tiền đóng học cho con, tiền điện, tiền nước... cũng vừa hết khoản thu nhập 7 triệu đồng của hai vợ chồng. Sau khi bàn đi tính lại, vợ chồng chị quyết định không thuê người giúp việc nữa. Việc chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa sẽ do hai vợ chồng đảm nhận. Đứa con trai lớn đang học lớp 1 sẽ do chồng đưa đón, con nhỏ 6 tháng tuổi thì thuê người giữ theo giờ, thời gian còn lại, chị trông con. Anh chị nhẩm tính cũng tiết kiệm được khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
“Cuộc chiến” chống chọi với giá cả leo thang đang len lỏi vào đời sống sinh hoạt của từng gia đình. Những người làm công ăn lương nằm trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm này. Họ đang phải vật lộn với bài toán chi tiêu thời “bão giá”.
PHƯƠNG LINH