Thấy Trưởng phòng Quân hỏi Linh, Nga vội nói: Dạ, báo cáo sếp, chị ấy vừa mới ở đây, chắc lại mới chạy qua phòng nào đó thôi ạ.
- Các cô không phải bao che cho nhau. Hôm nào cũng gần 8 giờ sáng mới tới cơ quan, giờ chắc lại tranh thủ đi chợ chứ gì? Thời buổi khủng hoảng kinh tế, nhiều cử nhân, kỹ sư trong các doanh nghiệp của nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh hoặc các doanh nghiệp tư nhân bị mất việc, nghỉ chờ việc hoặc bị nợ lương. Giới công chức nhà ta, tuy có phải thắt lưng buộc bụng hơn trước nhưng hằng ngày vẫn đều đặn đến sở, công việc không mấy áp lực, đến kỳ yên trí lĩnh lương. Các cô đúng là sướng không biết đường sướng.
- Chả thế mà trong quan niệm của nhiều người, 1 suất biên chế nhà nước như một loại hình bảo hiểm cho người lao động. Bởi sự ổn định, có phần an nhàn chính là tiêu chí mà nhiều người mơ ước khi trở thành công chức nhà nước đấy sếp ạ. Thậm chí, khi tìm bạn đời, chọn con dâu, con rể tương lai, nhiều người cũng xem biên chế nhà nước là tiêu chí quan trọng - Phó Trưởng phòng Tuấn lên tiếng.
- Chỉ vì muốn ổn định nên cũng có không ít trường hợp chấp nhận làm trái ngành, trái nghề. Có những cử nhân chuyên ngành kinh tế lại vào làm trong khối đoàn thể hoặc ngược lại. Ngoại trừ một số người có chí tiến thủ, có động cơ phấn đấu và được giao trách nhiệm làm cán bộ quản lý, số còn lại, không ít người còn thờ ơ với công việc, làm việc đôi khi chểnh mảng - anh Vinh cùng phòng cũng góp chuyện.
- Vì thế, một số người sau khi trở thành công chức đã tự hình thành cho mình thói quen an nhàn, sáng đủng đỉnh đến cơ quan, giữa buổi tranh thủ đi chợ, đi xem hàng hóa... Hoặc tụ tập ngồi ăn quà vặt, tán gẫu trên facebook, một số người tranh thủ chơi game, cuối giờ lại tranh thủ về sớm đón con hoặc làm việc riêng. Hầu hết mọi người có quan niệm, đã vào biên chế thì trừ khi có sai phạm nghiêm trọng, còn nếu không cứ thế yên ổn đến lúc về hưu - anh Tuấn tiếp lời.
- Chỉ có cơ quan nhà nước mới thế chứ như ở doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài như chỗ vợ tôi làm, người lao động hưởng lương theo năng suất lao động. Những người trẻ cũng có thể được trọng dụng, được cất nhắc lên các vị trí quản lý, miễn là có năng lực đáp ứng được nhu cầu công việc. Nhưng mọi công việc, vị trí không phải là bất biến. Hôm nay, người này có thể là lãnh đạo quản lý, hưởng mức lương cao nhưng sau một thời gian, nếu làm việc kém hiệu quả lại có thể trở lại thành nhân viên thường, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng... - anh Vinh nói thêm.
- Cách sử dụng lao động như vậy nên mọi lao động đều luôn phải cố gắng thể hiện năng lực, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phải cố gắng sáng kiến, cải tiến... Bởi, hiệu quả công việc sẽ giúp họ ổn định vị trí làm việc, thăng tiến và được hưởng thu nhập cao hơn. Cách sử dụng và quản lý lao động như vậy, các cơ quan nhà nước như cơ quan ta phải học hỏi mới đúng - Ông Quân kết luận rồi lầm lũi trở về phòng làm việc.
ĐỒNG CHÍ